Thời sự - Bình luận

Ngăn chặn những "vũng lầy" tha hóa quyền lực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh đang diễn ra trên toàn quốc, tính đến hết tháng 9.2020, cả nước đã có 14/67 Đảng bộ tỉnh, thành phố, Đảng bộ trực thuộc Trung ương tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ mới.

Bài học từ trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ là một ví dụ trong rất nhiều những ví dụ về tha hoá quyền lực, không chỉ ở những cán bộ cấp cao mà còn ở ngay những cơ sở đảng cấp dưới.
Bài học từ trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ là một ví dụ trong rất nhiều những ví dụ về tha hoá quyền lực, không chỉ ở những cán bộ cấp cao mà còn ở ngay những cơ sở đảng cấp dưới.


Trước đó là Đại hội cơ sở và cấp trên cơ sở tạo thành một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, được người dân quan tâm.

Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng yêu cầu làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trên tất cả các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, đặc biệt về lĩnh vực xây dựng Đảng.

Từ thực tiễn, vấn đề phòng, chống tha hoá quyền lực đã được đánh giá sâu hơn và chính thức được đưa vào trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Trong bài viết “Những biến tướng nguy hại của sự tha hóa quyền lực”, tờ Quân đội nhân dân đưa ra nhận định: “Những năm gần đây, tình trạng tha hóa quyền lực trở thành một trong những vấn đề nhức nhối, nóng bỏng, ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng và chế độ ta”.

Bài báo viết: “Tha hóa” được hiểu là trở nên khác đi cái ban đầu, biến thành cái khác theo chiều hướng tiêu cực.

“Tha hóa quyền lực” thực chất là hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước để làm những việc sai trái, khuất tất nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân hay lợi ích một nhóm người, làm tổn hại đến lợi ích chung của tập thể, lợi ích của quốc gia dân tộc.

Trong khi phần lớn cán bộ, đảng viên làm tròn bổn phận, trách nhiệm, quyền hạn của mình đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị; thì vẫn còn không ít người nắm giữ, thực thi công quyền đã bị cám dỗ bởi “màu hồng” của quyền lực. Khi đã có quyền lực, nhiều người nhận thức không đúng đắn, thấu đáo về tính hai mặt của quyền lực, chỉ nhăm nhăm khai thác, phát huy triệt để ưu thế, quyền lợi, bổng lộc nhờ quyền lực mang lại mà không chú trọng tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Gần đây, dư luận quan tâm nhiều tới những vi phạm của lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng. Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ TPHCM đã vào cuộc và đã có kết luận về những vi phạm của Đảng uỷ và các đảng viên có liên quan. Trong đó, ông Lê Vinh Danh với vai trò là Bí thư Đảng ủy, phụ trách công tác tổ chức cán bộ, là người chịu trách nhiệm cao nhất và trực tiếp.

Theo thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra, hàng loạt vi phạm của ông Lê Vinh Danh như: Không chấp hành các chỉ đạo của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến thực hiện công tác tổ chức, cán bộ của trường; trực tiếp biên tập nội dung biên bản cuộc họp phản ánh không đúng ý kiến của các thành viên trong cuộc họp, nội dung chỉnh sửa theo hướng thêm những phát biểu phản đối nhằm làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Tổng LĐLĐVN; trong công tác quản lý tài chính, tài sản, duyệt chi nhiều khoản tiền lớn để thực hiện công tác đối ngoại của trường không đúng quy định; việc chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch theo quy định, có sự chênh lệch lớn trong việc phân phối thu nhập giữa một số ít cán bộ lãnh đạo với giảng viên, nhân viên; thực hiện mua sắm, quản lý tài sản của trường có một số nội dung chưa đúng quy định về quản lý tài sản công…

Không thể phủ nhận công lao, đóng góp của tập thể lãnh đạo và cá nhân Hiệu trưởng Lê Vinh Danh trong quá trình phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhưng với những sai phạm đã được Uỷ ban kiểm tra kết luận thì những vấn đề của Trường Tôn Đức Thắng có dấu hiệu của sự tha hoá quyền lực, không tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Bài học từ trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ là một ví dụ trong rất nhiều những ví dụ về tha hoá quyền lực, không chỉ ở những cán bộ cấp cao mà còn ở ngay những cơ sở đảng cấp dưới.

Ngăn chặn những “vũng lầy” tha hóa quyền lực là việc cần làm quyết liệt, thường xuyên hơn nữa. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến những cá nhân suy thoái trong Đảng: “Chặt cành củi mục để cứu cây, đau nhưng phải làm”.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngan-chan-nhung-vung-lay-tha-hoa-quyen-luc-841796.ldo

Theo HOÀNG LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm