Thống kê tại 16 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021, tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 56.600 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngân hàng lãi khủng, nhiều kỷ lục lợi nhuận được xác lập
Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý của các ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 của Dân Việt cho thấy, các ngân hàng vẫn "ăn nên làm ra", nhiều kỷ lục lợi nhuận được xác lập trong 9 tháng đầu năm.
Tăng mạnh nhất là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã: NVB) với mức tăng lên tới 619%, đạt 205,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
KienlongBank báo lãi trước thuế 878 tỷ đồng, tăng 510% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là VietABank (VAB), lợi nhuận trước thuế cũng tăng tới 213% lên 522 tỷ đồng trong 9 tháng.
Nhiều kỷ lục lợi nhuận của ngân hàng được xác lập trong 9 tháng đầu năm. (Ảnh: LT) |
Không kém cạnh, trong 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB), SeaBank (SSB) và PGBank đều tăng trưởng từ 108% - 180% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm 2020.
Một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong thời gian gần đây là Ngân hàng TMCP An Bình (ABB), ABB báo lãi trước thuế đạt 1.556 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 78,9% kế hoạch năm.
Lợi nhuận của các ngân hàng đều tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ. (Ảnh: LT) |
Trong nhóm "tứ mã ngân hàng", hiện đã có Techcombank, ACB và MB đã công bố kết quả kinh doanh. Trong đó, Techcombank tiếp tục gây ấn tượng với nhà đầu tư khi đạt kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng mạnh tới 60%.
MB cũng không làm nhà đầu tư thất vọng khi vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng lên tới 46%, lần đầu tiên vượt báo lãi trước thuế gần 12.000 tỷ đồng.
Mặc dù nợ xấu tăng trong 9 tháng đầu năm, ACB buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro 300% so với cùng kỳ, song ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy vẫn báo lãi trước thuế gần 9.000 tỷ đồng, tăng 40%.
Nhóm "big four" ngân hàng gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV hay Agribank chưa công bố kết quả kinh doanh quý III nhưng nhiều khả năng vẫn ghi điểm, bởi đây vẫn là khối dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận trên thị trường ngân hàng từ trước đến nay.
Ngân hàng lãi khủng, doanh nghiệp mong được tiếp sức
Trao đổi với PV Dân Việt, TS.Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chia sẻ, ngân hàng báo lãi khủng nhưng thực chất đó chỉ là "lãi ảo".
"Theo cách hạch toán của ngân hàng, chẳng hạn ngân hàng cho vay 5.000 tỷ nhưng khách hàng không trả được, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro bằng đúng 5.000 tỷ đó vào trong chi phí.
Như vậy, chẳng những ngân hàng không thu được đồng nào mà lại phải trích thêm 5.000 tỷ đề phòng họ không trả được thì phải dùng 5.000 tỷ này để xóa nợ. Bởi ngân hàng kinh doanh bằng tiền của người khác (huy động tiền gửi của dân để cho vay), như vậy thay vì báo lãi thì các ngân hàng sẽ báo lỗ vì trích dự phòng rủi ro.
Thế nhưng, vì dịch Covid-19 Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro (mà trải dài trong 3 năm), nên giảm được chi phí dự phòng, đồng thời ngân hàng vẫn ghi nhận lãi từ cho vay mặc dù chưa thu về được. Do đó, lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh", ông Nghĩa phân tích với PV Dân Việt.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi lợi nhuận tăng cao các ngân hàng rất "khoái" dù đó là lợi nhuận ảo vì dòng tiền chưa đổ về. Lý do, điều này sẽ kích thích làm tăng giá cổ phiếu, đồng thời các cổ đông được chia cổ tức bằng cổ phiếu (do yêu cầu của cơ quan quản lý và ngân hàng không có tiền thực để trả bằng tiền mặt) - "vác" cổ phiếu (đồng tiền giả) ra bán trên thị trường chứng khoán và thu về tiền thật, 1 "đồng tiền giả" có thể thu về tới 3 đồng tiền thật nhờ giá cổ phiếu tăng.
"Lợi nhuận ngân hàng công bố càng cao thì cổ đông càng hưởng lợi, dù rằng cổ đông nhỏ lẻ được lợi ít, mà chủ yếu là cổ đông lớn với món lợi lên đến hàng nghìn tỷ đồng", ông Nghĩa nói và cảnh báo, trong tương lai khi các ngân hàng không được tiếp tục cơ cấu nợ, nợ xấu lộ diện và tất cả ngân hàng quay trở lại trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu, từ đó làm giảm lợi nhuận và giá chứng khoán sẽ tụt xuống.
Ngân hàng lãi khủng, doanh nghiệp mong muốn được giảm thêm lãi suất. (Ảnh: NCB) |
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn T. Đ. - Tổng giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch bày tỏ, doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất thu nhập gần 2 năm qua vì dịch bệnh, trong khi đó việc tiếp cận các gói hỗ trợ đặc biệt là các chính sách ưu đãi từ ngân hàng lại không hề dễ dàng.
Lý do của các ngân hàng là "để cho ngân hàng khỏe, không thể yếu chung" và đưa ra bài học năm 2009 về bóng bóng bất động sản, nợ xấu… Ngân hàng có cái lý của ngân hàng, nhưng kết quả doanh nghiệp "chết" nhưng ngân hàng vẫn báo lãi khủng, điều này vô tình tạo ra "sự phản cảm" – theo vị Tổng giám đốc này.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Toàn Cầu (Hà Nội) cho rằng, các ngân hàng liên tiếp công bố lợi nhuận trong quý III/2021 tăng trưởng tích cực là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ngân hàng là "huyết mạch" của nền kinh tế. Nếu "huyết mạch' có sức khỏe tốt nhưng không hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển thì cũng không có ý nghĩa gì.
Vì vậy, bà Thu đề xuất, các ngân hàng nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay, tùy theo tiềm lực hiện có của các ngân hàng. Với những ngân hàng có tỷ lệ sinh lời cao, nên xem xét giảm 1,5 - 2%/năm lãi suất cho tất cả các khách hàng, kể cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, không phân biệt mục đích sử dụng vốn, kỳ hạn vay ngắn hay dài.
Theo Huyền Anh (Dân Việt)