Thời sự - Bình luận

Phục hồi và tăng tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Sự ảnh hưởng của các tỉnh là nền kinh tế trọng điểm ở phía Bắc đã tác động lên nhiều lĩnh vực, nhất là ngành logistics bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với 15,4% doanh nghiệp gặp gián đoạn nghiêm trọng và 53,6% doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng chậm trễ hoạt động có thể kiểm soát được. Những sự gián đoạn này dự kiến sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, đẩy giá thực phẩm và vật liệu xây dựng tăng cao, từ đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất và làm tăng áp lực lạm phát.

Ở lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, đầu tư, quý 3 sẽ khá ảm đạm với việc các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với chi phí gia tăng và những thách thức về hậu cần, đặc biệt là trong các ngành phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như điện tử, dệt may và nông nghiệp. Tác động lên gián đoạn chuỗi cung ứng, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và gây ra sự chậm trễ trong các chuyến hàng trong nước và quốc tế. Hệ quả dẫn tới là các nhà đầu tư có thể áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn. Để ứng phó với những thách thức này, Chính phủ đã nhanh chóng hành động với việc ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP nhằm giải quyết hậu quả cơn bão Yagi, ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm nay dự kiến sẽ là 6,8%-7%.

Song song với các nhóm chương trình hành động phục hồi, tái thiết là hoạt động hỗ trợ diễn ra trong suốt 2 tháng 9 và 10. Riêng với doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ kéo dài đến cuối năm 2025 để phù hợp với quá trình phục hồi cùng các yếu tố sản xuất mang tính thời vụ.

Một nghịch lý… tích cực diễn ra, đó là một số lĩnh vực và doanh nghiệp lại “hóa giải” được những tiêu cực từ trong thảm họa thiên nhiên này. Đơn cử như ngành vật liệu xây dựng. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng thúc đẩy nhu cầu về vật liệu, dẫn đến tăng trưởng cho các công ty trong lĩnh vực này thông qua các dự án tái thiết của chính phủ và địa phương. Hay trong ngành bán lẻ, các siêu thị và nhà bán lẻ đồ điện tử sẽ thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng thiết yếu, đồ gia dụng và sản phẩm sửa chữa. Ngành phân bón với nhu cầu khởi động lại sản xuất nông nghiệp sẽ làm tăng nhu cầu, thúc đẩy tăng trưởng cho các công ty trong ngành này.

Trong tiến trình phục hồi, nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên khi nền kinh tế phục hồi, mang lại lợi ích cho các ngân hàng nhờ tăng cường đầu tư và phục hồi sản xuất. Hay những công ty phục hồi nhanh chóng sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa cấp bách dẫn tới logistics và vận tải vốn chịu nhiều thiệt hại sẽ mở ra những cơ hội mới… Riêng ngành bảo hiểm, sau cú “sang chấn” phải bồi thường thiệt hại khá lớn thì nhu cầu lại sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp và cá nhân tìm cách bảo vệ tài sản của mình trước những rủi ro trong tương lai.

TPHCM trong nỗ lực tập trung tổng lực, cao độ 3 tháng cuối năm để hoàn thành nhiệm vụ kép, tức vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, chuẩn bị cho năm tổng kết 2025; vừa gia tăng năng lực lẫn năng suất để chia sẻ cùng khó khăn của cả nước phục hồi, tái thiết. Tỷ lệ tăng trưởng GRDP quý 3 của thành phố đạt 7,33%, đóng góp 20% vào tăng trưởng chung của cả nước là một minh chứng sống động.

Ngoài ưu tiên tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ giải ngân đầu tư công về đích 95% và gia cố cho các trụ cột tiêu dùng, xuất nhập khẩu thì thành phố cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, tiềm lực của khối doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện chiến lược phát triển là trung tâm kinh tế, tài chính của cả khu vực. Vấn đề là khối này cần được giao nhiệm vụ dẫn dắt và định hướng phát triển, định kỳ đưa ra sáng kiến, báo cáo đề xuất về việc thực hiện các dự án chiến lược trong các lĩnh vực then chốt; tăng cường liên kết và phối hợp trong hợp tác chiến lược, liên kết ngành và lĩnh vực, chia sẻ nguồn lực và công nghệ, thúc đẩy đầu tư và thu hút vốn và thực hiện các dự án cộng đồng…

Để quý 4 là quý phục hồi và tăng tốc!

Theo NGUYỄN QUÂN CÁT (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm