Kinh tế

Nông nghiệp

Ngành chăn nuôi “Gạn đục khơi trong” để phát triển bền vững - Kỳ 1: Thu hút các dự án công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án vẫn còn bất cập, nhất là liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Thực tế này đòi hỏi tỉnh phải có những giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Gia Lai tụ hội nhiều điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi như: đất đai, đồng cỏ, khí hậu và lực lượng lao động. Điều này thể hiện rõ qua việc hàng trăm dự án chăn nuôi với quy mô lớn được các nhà đầu tư quan tâm và đăng ký xin chủ trương thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Tiềm năng dồi dào

Sở hữu các cánh đồng cỏ rộng lớn với tổng diện tích lên tới hơn 18.000 ha, Gia Lai đang được nhiều nhà đầu tư lĩnh vực chăn nuôi quan tâm. Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Quan điểm của tỉnh là không kêu gọi các dự án chăn nuôi nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường. Tỉnh chỉ xem xét chọn các dự án chăn nuôi có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường, đồng thời phải gắn với chuỗi liên kết sản xuất nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, chế biến phân bón và chế biến sản phẩm từ thịt để tạo giá trị gia tăng và tạo nguồn thu thuế cho địa phương”.

Đến nay, tỉnh thu hút được 205 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với tổng diện tích gần 9.400 ha, tổng vốn gần 34.900 tỷ đồng; quy mô các dự án gồm 105 ngàn con bò, hơn 4,1 triệu con heo, 40 ngàn con gà giống bố mẹ, hơn 19,2 ngàn con vịt đẻ trứng.

Trong đó, 67 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 2.255 ha, tổng vốn đăng ký 10.905 tỷ đồng, quy mô dự án gồm: hơn 43,7 ngàn con bò, hơn 2,5 triệu con heo, 40 ngàn con gà giống bố mẹ, khoảng 19,2 ngàn con vịt đẻ trứng; 138 dự án đang chờ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 7.120 ha, tổng vốn đăng ký 23.955 đồng, quy mô dự án gồm 61,3 ngàn con bò thịt, hơn 2,6 triệu con heo.

Các đại biểu nhấn nút khởi công Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai do Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Hà Duy

Các đại biểu nhấn nút khởi công Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai do Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Hà Duy

Hiện đã có 25 dự án chăn nuôi đi vào hoạt động với số lượng hơn 49 ngàn con bò giống Brahman, Droughtmaster, Holstein Friesian được nhập từ New Zealand, Úc và Mỹ; hơn 201,9 ngàn con heo giống Landrace, Yorshire, Duroc, Peitrain nhập từ các tỉnh Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đak Nông, Ninh Thuận, Khánh Hòa và từ Canada.

Một số nhà đầu tư đã triển khai các dự án chăn nuôi với quy mô lớn như: Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi bò Trung Nguyên, Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai, Công ty cổ phần Tập đoàn Ricky Farms, Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên, Công ty TNHH Chăn nuôi Bách Mộc Phát, Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm…

Các địa phương được nhà đầu tư chọn làm nơi đặt trang trại chăn nuôi công nghệ cao như: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang, Kông Chro.

Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy

Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy

Dự án trang trại chăn nuôi heo Trung Tây Nguyên Tám (làng Châu, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) do Công ty cổ phần Trang trại Trung Tây Nguyên Tám làm chủ đầu tư có mô hình công nghệ khép kín với tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng. Trang trại có quy mô gần 20 ha, trong đó, diện tích công trình chăn nuôi chính rộng gần 3 ha, diện tích công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường rộng 1,6 ha, các công trình phụ trợ và hạ tầng rộng gần 0,5 ha. Dự án có công suất 40 ngàn con heo thịt mỗi đợt, 1 năm nuôi 2 đợt.

Ông Nguyễn Vĩnh Úy-đại diện Công ty cổ phần Trang trại Trung Tây Nguyên Tám-cho hay: “Khi chọn Gia Lai làm nơi đầu tư, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở nhiều địa phương. Nhận thấy Kông Chro có quỹ đất lớn, khoảng cách với khu dân cư đủ đảm bảo an toàn về môi trường, chính quyền địa phương tạo nhiều thuận lợi nên chúng tôi đã chọn nơi đây để đề nghị được triển khai dự án. Chúng tôi đã cam kết sử dụng lao động tại chỗ trong quá trình thực hiện dự án, từ giai đoạn xây dựng cho đến khi đi vào hoạt động, có thời điểm dự án sử dụng hơn 100 lao động. Bên cạnh đóng góp cho ngân sách huyện thì chúng tôi cũng chia sẻ với địa phương bằng các hoạt động an sinh xã hội. Mới đây, chúng tôi đã ủng hộ hơn 500 triệu đồng để xây dựng 10 căn nhà tình thương”.

Còn nhiều dư địa phát triển

Theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Trong kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tập trung với quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng lên 24% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 18%/năm; đến năm 2030, phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt khoảng 14.800 tỷ đồng, chiếm trên 29% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; dự kiến tổng đàn trâu 16 ngàn con, đàn bò 600 ngàn con, đàn heo trên 3 triệu con, đàn gia cầm 6 triệu con; tăng quy mô, tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hữu cơ đạt 60%”.

So sánh với tình hình thu hút và triển khai các dự án chăn nuôi thời điểm này, Gia Lai còn khá nhiều dư địa để phát triển. Mật độ chăn nuôi hiện tại trên địa bàn tỉnh là 0,29 đơn vị nuôi/ha. Dự kiến nếu 67 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư đều đi vào hoạt động thì mật độ chăn nuôi là 0,54 đơn vị nuôi/ha; 138 dự án đang chờ chấp thuận chủ trương đầu tư nếu được đồng ý chủ trương và đi vào hoạt động thì mật độ chăn nuôi là 0,99 đơn vị nuôi/ha.

Nếu cả 205 dự án chăn nuôi được đồng ý và đi vào hoạt động thì toàn tỉnh có 9 địa phương mật độ chăn nuôi còn trong ngưỡng cho phép theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 15-2-2022 của UBND tỉnh, gồm: Ayun Pa, Chư Păh, Đức Cơ, Ia Grai, Đak Đoa, Kbang, Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang; 5 địa phương mật độ chăn nuôi hết ngưỡng cho phép là: Pleiku, An Khê, Kông Chro, Đak Pơ, Krông Pa. Riêng 3 địa phương có mật độ chăn nuôi hiện vượt ngưỡng cho phép là Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh.

Gia Lai chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Hà Duy

Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung. Cụ thể: vùng chăn nuôi heo sẽ tập trung tại huyện Mang Yang, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh, Chư Prông, Kbang; vùng chăn nuôi bò tập trung tại huyện Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro, Krông Pa, Chư Prông, Kbang; vùng chăn nuôi gia cầm tập trung tại huyện Đak Đoa, Chư Sê, Ia Grai, Kbang. Để khai thác hiệu quả dư địa, ngoài những chính sách chung như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thì Gia Lai cũng đề ra nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Gia Lai sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp về ưu tiên cho thuê đất, giao đất với chính sách ưu đãi đối với các dự án chăn nuôi quy mô trang trại tập trung áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn phòng dịch; tăng cường thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng chăn nuôi tập trung như: hệ thống điện, đường, xử lý chất thải chăn nuôi...

Bên cạnh đó là lồng ghép vào các chương trình, mục tiêu khác như nông thôn mới, chăn nuôi nông hộ, các đề án, dự án... để hỗ trợ phát triển chăn nuôi ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hướng dẫn người dân tận dụng diện tích đất đai trồng các giống cỏ mới cho năng suất cao, áp dụng các biện pháp như tưới nước, bón phân và tận dụng phụ phẩm của trồng trọt để làm nguồn thức ăn cho các loài gia súc ăn cỏ.

Có thể bạn quan tâm