Giáo dục

Tin tức

Ngành Giáo dục Gia Lai quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học bậc mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học mầm non luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Trong đó, Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non cấp tỉnh được tổ chức 4 năm/lần được coi là đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, mang lại hiệu quả rõ nét nhất.
Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non cấp tỉnh lần thứ III năm học 2020-2021 vừa được tổ chức giữa tháng 12 là lần đầu tiên áp dụng những quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Trong đó, có 2 quy định mới về tính khách quan và năng lực thực sự của giáo viên dự thi được đánh giá rất cao. Trước đây, giáo viên dự thi nộp sáng kiến kinh nghiệm cho phần thi lý thuyết, còn phần thi thực hành sẽ được biết đề trước 1 tuần nên họ có nhiều thời gian chuẩn bị.
Ở hội thi năm nay, giáo viên phải trình bày trước ban giám khảo những biện pháp góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ bằng hình ảnh thực tế cho phần lý thuyết. Đối với phần thi thực hành, giáo viên chỉ được bốc thăm đề trước 2 ngày để chuẩn bị giáo án, đồ dùng, đồ chơi và làm quen với trẻ ở trường mầm non đăng cai tổ chức thi.
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết: “Những quy định mới tại Thông tư số 22 đòi hỏi giáo viên dự thi phải sáng tạo, nhanh nhạy, linh hoạt hơn trong việc áp dụng phương pháp giáo dục lên từng môi trường cụ thể. Tôi cho rằng, với những quy định mới này, hội thi đã tìm ra được những giáo viên có năng lực thực sự. Bên cạnh đó, hội thi năm nay đưa tất cả hoạt động trong một ngày của trẻ như: hoạt động học, hoạt động ngoài trời, công tác chăm sóc… vào đề thi thay vì chỉ có hoạt động học như trước đây đã giúp ban giám khảo đánh giá được toàn diện chất lượng giáo dục mầm non hiện nay”.
Cô Nguyễn Thị Lê Na (Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Pleiku) cùng học trò trong một hoạt động ngoài trời. Ảnh: Nguyễn Giang
Sau nhiều nỗ lực, cô giáo Nguyễn Thị Lê Na (Trường Mầm non Hoa Hồng, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã giành giải xuất sắc tại hội thi. Thành tích này không chỉ thể hiện năng lực cá nhân của cô mà còn khẳng định mục tiêu giáo dục của nhà trường.
Cô Na cho biết: “Hội thi là dịp để chúng tôi diễn tả lại phương pháp giáo dục mình đang áp dụng và nhận được sự đóng góp, nhận xét của ban giám khảo vốn là những “cây đa”, “cây đề” trong ngành. Từ đó, chúng tôi biết rõ hơn mình đang làm tốt phần nào và chưa tốt phần nào để rút kinh nghiệm, hoàn thiện giáo án”.
Giành giải nhất và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp trên toàn tỉnh là phần thưởng lớn đối với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân (Trường Mầm non Hoa Phong Lan, phường Hoa Lư, TP. Pleiku).
“Tôi học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm, phương pháp hay từ đồng nghiệp cả ở phần thi lý thuyết lẫn thực hành. Tôi nhận thấy các đồng nghiệp ở vùng khó khăn của tỉnh có những phương pháp làm quen, tạo tình cảm gần gũi giữa cô và trẻ rất hay. Đây là lần thứ 2 tôi tham gia hội thi nhưng những đổi mới của lần này khiến tôi hào hứng hơn”-cô Vân chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân-giáo viên Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP.Pleiku) trong tiết dạy trẻ trò chơi dân gian. Ảnh: Nguyễn Giang
Trao đổi thêm về công tác nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-khẳng định: “Mầm non là bậc học tạo tiền đề, tâm thế sẵn sàng cho trẻ bước vào chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, việc tìm ra được 140 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ở hội thi năm nay có ý nghĩa quan trọng. Họ sẽ trở thành những giáo viên cốt cán, giữ vai trò lớn trong công tác nâng cao chất lượng bậc học ở từng đơn vị, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành”.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm