Khoa học - Công nghệ

Ngành Khoa học-Công nghệ cần phát triển tương xứng với tiềm năng, tiềm lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành KH-CN và kết quả triển khai thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước.

Đồng chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Đổi mới hoạt động KH-CN

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Nam Hải đã báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ KH-CN trong thời gian qua. Theo đó, Sở đang theo dõi, quản lý 3 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 25,85 tỷ đồng; phê duyệt triển khai 14 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 với tổng kinh phí 99,539 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, Sở đã tham mưu quản lý và triển khai 40 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh với tổng kinh phí hơn 72,714 tỷ đồng; thực hiện 43 dự án KH-CN cấp huyện, cấp cơ sở với kinh phí 12,31 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp KH-CN...

“Thời gian qua, Sở KH-CN luôn bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ KH-CN để triển khai các nhiệm vụ được giao. Công tác quản lý, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống. Các nhiệm vụ KH-CN hầu hết được thực hiện theo cơ chế đề xuất đặt hàng và có cam kết ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh sau khi nhiệm vụ KH-CN hoàn thành”-Giám đốc Sở KH-CN cho biết.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; quản lý, kiểm tra, thanh tra về an toàn bức xạ và hạt nhân, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ được triển khai thường xuyên, góp phần chấn chỉnh những sai phạm, ngăn chặn các hành vi gian lận trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Các hoạt động xúc tiến công nghệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ được triển khai mạnh mẽ hơn.

Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận về những tồn tại, khó khăn để từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy ngành KH-CN ngày càng phát triển. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa, việc ứng dụng KH-CN trong ngành nông nghiệp được triển khai rất sâu rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, lâm nghiệp… Thời gian qua, việc ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp đã có nhiều đột phá. Tuy nhiên, công tác quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH-CN vẫn còn hạn chế.

“Để hoạt động ứng dụng KH-CN ngày càng hiệu quả, ngành KH-CN cần có quy định cụ thể trong đánh giá, thẩm định về công nghệ đối với các đề tài, dự án, nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, ngành KH-CN cần tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp quy trình thực hiện để địa phương có cơ sở kêu gọi các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn vốn xã hội hóa”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn thì cho rằng: “Hiện chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động KH-CN. Để việc đổi mới dây chuyền công nghệ, ứng dụng công nghệ được các doanh nghiệp quan tâm, tích cực tham gia thì chúng ta cần phải có cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc”.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày một số sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày một số sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Ngoài ra, các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như: Các địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở; tỉnh chưa có quy định cụ thể về mức hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm OCOP nên còn gặp khó khăn trong triển khai; công tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ còn lúng túng; các tổ chức trung gian về chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh còn yếu về năng lực; cổng thông tin quốc gia về truy xuất nguồn gốc chưa đưa vào vận hành; hành lang pháp lý trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc chưa đầy đủ…

Cần thúc đẩy ngành KH-CN phát triển mạnh mẽ

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Sở KH-CN và ý kiến của các đại biểu, phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đánh giá cao những kết quả mà ngành KH-CN đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, công tác quản lý và hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công tác quản lý công nghệ được tăng cường; việc thẩm định công nghệ các dự án đầu tư được thực hiện đúng theo quy định. Các hoạt động xúc tiến công nghệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đã được triển khai mạnh mẽ hơn. Đội ngũ cán bộ KH-CN có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ: “Ngành KH-CN của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế như: một số kết quả nghiên cứu chậm được ứng dụng vào thực tế; chưa tạo được kết quả, sản phẩm KH-CN thực sự mang tính đột phá; chậm tiến triển trong cải cách cơ chế quản lý KH-CN; đầu tư ngân sách phân tán và không hiệu quả, tỷ lệ giải ngân kinh phí cho sự nghiệp KH-CN còn thấp”.

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ KH-CN trong thời gian qua. Ảnh: Đức Thụy

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ KH-CN trong thời gian qua. Ảnh: Đức Thụy

Để ngành KH-CN tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, tiềm lực hiện có, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị tập thể lãnh đạo Sở KH-CN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; thực hiện nghiêm quy chế làm việc đã ban hành. Thường xuyên đổi mới cách thức hoạt động. Xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng KH-CN; nâng cao chất lượng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH-CN; đánh giá, lựa chọn các nhiệm vụ cần nghiên cứu. Việc triển khai ứng dụng kết quả nghiệm thu phải có hiệu quả, có sức lan tỏa lớn, có tính liên ngành, liên vùng sản xuất sản phẩm giá trị, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cần phải thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH-CN; xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH-CN; chủ động phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng, phân hiệu các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở KH-CN cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nhất là các nghiên cứu gắn với bảo tồn giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chú trọng nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của KH-CN đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, ngành KH-CN tỉnh cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động, làm sao để ngành KH-CN phát triển tương xứng với sự quan tâm, tiềm lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh nghiên cứu, tập hợp và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Đối với những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của tỉnh, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát các quy định, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Có thể bạn quan tâm