(GLO)- Thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chú trọng công tác huy động vốn và cho vay, trong đó tập trung hướng đến thị trường bán lẻ phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, hộ cá thể sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, việc chuyển hướng tạo ra nhiều sản phẩm kích thích tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân như cho vay mua nhà, xây nhà, mua ô tô, mua sắm vật dụng sinh hoạt… được các ngân hàng chọn lựa, nhất là những ngân hàng có thị phần nhỏ.
Ông Phạm Gia Huấn-Giám đốc HDBank Chi nhánh Gia Lai, cho biết: Chi nhánh đang tập trung nguồn vốn để cho vay gói cá nhân phát lộc với lãi suất 6,8%/năm cho những khách hàng có dự án sản xuất kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, gói tiêu dùng vay trung hạn có tài sản đảm bảo lãi suất 9,7%/năm cũng đang được triển khai. Còn gói tín dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp đang áp dụng mức lãi suất 8%/năm trong thời hạn 6 tháng…
Còn Sacombank đang có chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng mua-xây-sửa chữa bất động sản với mức vay tối đa lên đến 100% nhu cầu vốn, thời hạn vay 20 năm, lãi suất 6,88%-8,99%/năm. Cũng gói vay cá nhân liên quan đến bất động sản, Techcombank Gia Lai áp dụng 3 ưu đãi cho khách lựa chọn, tùy thời hạn vay mà áp dụng ưu đãi thời gian đầu, với lãi suất lần lượt là 6,99%/năm, 8,99%/năm và 9,99%/năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra hàng loạt các chương trình cho vay ưu đãi qua nhiều kênh tiếp cận khách hàng mới như internet, tiếp cận trực tiếp, quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bằng hình thức hợp tác với một số công ty phân bón, ACB đã tổ chức hội thảo 3 nhà: doanh nghiệp-ngân hàng-nông dân để qua đó tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh cho vay thị trường nông nghiệp, nông thôn…
Hầu hết các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng với lãi suất ưu đãi trong thời gian gần đây không nằm ngoài mục đích giải phóng nguồn vốn ngân hàng, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong dân. Song, hiện nay nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu khiến các gói sản phẩm chưa phát huy nhiều hiệu quả, do đó tăng trưởng tín dụng của khối các ngân hàng có quy mô nhỏ không cao.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng cũng đang cạnh tranh rất lớn về thị phần khối khách hàng này. Nhiều chương trình ưu đãi với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường được đưa ra. “Tuy nhiên, hiện nay với những ngân hàng thương mại cổ phần chiếm thị phần nhỏ, để có được khách hàng doanh nghiệp lớn không hề dễ, mà giữ lại càng khó hơn”-Giám đốc một chi nhánh ngân hàng cổ phần trên địa bàn thừa nhận. Ông này cũng cho biết, cách đây vài tháng một khách hàng lớn của chi nhánh (có quan hệ vay vốn đến 200 tỷ đồng) cũng đã chuyển sang quan hệ với một ngân hàng khác. Đó là thực tế, bởi sự cạnh tranh gay gắt về thị phần cùng với các gói sản phẩm vay, chất lượng dịch vụ, càng tăng thêm cơ hội tốt cho khách hàng chọn lựa.
Chính vì vậy, các ngân hàng đang thay đổi cách tiếp cận khách hàng thông qua các gói sản phẩm bán lẻ, nhất là các sản phẩm cho vay để khách hàng tiếp cận dễ dàng, sử dụng chất lượng dịch vụ tốt nhất, có lợi nhất.
Thảo Nguyên