Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Ngành Tài nguyên và Môi trường: 20 năm xây dựng và kiến tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 5-8-2002 đánh dấu mốc quan trọng khi Quốc hội ra Nghị quyết số 02/2002/QH11 thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài nguyên và Môi trường đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động nắm bắt thời cơ, kiến tạo trong tiến trình hội nhập để đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa đất nước phát triển bễn vững.
 


Tạo dựng nền tảng

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý trên 9 lĩnh vực gồm: đất đai, tài nguyên nước, địa chất và tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, viễn thám. Trong đó, các lĩnh vực quản lý nguồn lực đầu vào của nền kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, sự phát triển bền vững của đất nước và liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Để có cơ sở cho công tác quản lý, ngành đã xây dựng khá đồng bộ, kịp thời tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế-xã hội và tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường gồm: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống các quy hoạch, chiến lược nhất là hệ thống quy hoạch sử dụng đất được xây dựng khá đồng bộ từ quốc gia đến cấp xã.

Đặc biệt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đột phá để đưa công tác bảo vệ môi trường thực sự trở thành trụ cột của phát triển bền vững trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Kiểm tra công tác khai thác đá tại xã Ia Krăi, huyện Ia Grai (ảnh Huỳnh Lê)
Kiểm tra công tác khai thác đá tại xã Ia Krăi, huyện Ia Grai (ảnh Huỳnh Lê)



Ông Nguyễn Hưng Thịnh-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Môi trường được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự tồn tại của con người, bảo đảm cho sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội. "Từ các chính sách, quy định có liên quan, thông điệp ngắn gọn của Luật Bảo vệ môi trường đưa ra là người dân, doanh nghiệp là một phần không thể tách rời của môi trường. Chủ động, có trách nhiệm với môi trường chính là bảo đảm chất lượng sống của người dân và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp"-ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh.

Thời gian gần đây, công tác bảo vệ môi trường được đặc biệt chú trọng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình dự án. Tập trung khắc phục suy thoái môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái; chú trọng phát triển kinh tế xanh, thuận thiện với môi trường. Và, xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường cũng được đẩy mạnh.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu được nhận diện là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu được coi là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, công tác phòng-chống và giảm nhẹ thiên tai đạt nhiều kết quả. Năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai được tăng cường, chất lượng có bước được nâng lên. Công nghệ viễn thám được sử dụng trong giám sát tài nguyên, giám sát lãnh thổ nhất là các vùng biển, đảo. Nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp phòng-chống thiên tai được triển khai, tranh thủ được sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều đối tác. Cụ thể, trong hợp tác, hội nhập quốc tế đạt được nhiều thành tựu như: 5 điều ước quốc tế song phương; 30 điều ước quốc tế đa phương, 18 thỏa thuận quốc tế do Bộ là cơ quan chủ trì thực hiện đã được ký kết, tổ chức triển khai mở ra một chương mới trong hoạt động đối ngoại về tài nguyên và môi trường “chủ động, tăng cường tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu”.

Ngoài ra, lần đầu tiên Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin địa lý tỷ lệ 1:10000 phủ trùm cả nước, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về lãnh thổ, quản lý các hoạt động kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng-chống thiên tai, giám sát khai thác tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát tình trạng môi trường.

Thành tựu kiến tạo

Xu thế phát triển trong điều kiện hội nhập không chỉ giải đúng các vấn đề đặt ra từ quản lý mà còn tạo dư địa, động lực mới để giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Do đó, nhiều chủ trương quan trọng đã được ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành, như: Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25-9-2021 Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng kết, sơ kết đề xuất Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số được đẩy mạnh trên nền tảng tài nguyên số, dữ liệu về thông tin địa lý, dữ liệu đất đai, dữ liệu viễn thám,.. hướng tới phát triển kinh tế số ngành tài nguyên và môi trường. Cải cách thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy giảm khâu trung gian, quy trình hóa các khâu trong giải quyết thủ tục và hiện đại hóa nền hành chính được triển khai đồng bộ. Đến thời điểm này, 100% thủ tục được thực hiện trực tuyến, 80% ở cấp độ 4; việc xử lý, giải quyết hồ sơ, ký số được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); các hoạt động chỉ đạo điều hành, các hội nghị, diễn đàn của Liên hợp quốc, cuộc họp, đàm phán được thực hiện trực tuyến, đảm bảo thông suốt.

Theo khảo sát của ngành Tài nguyên và môi trường,năm 2021, tỷ lệ người dân hài lòng về dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng 4,14%; tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% năm 2019 xuống còn 4,03%; chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam ở vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng 37 bậc so với năm 2016 (vị trí 88). Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 6 trong số các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính...

Đặc biệt mới đây, việc tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016 và đưa ra tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 26) năm 2021 mang lại cho Việt Nam cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính xanh để thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển theo hướng kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Đồng thời, ngày 26-7-2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”. Theo đó, Việt Nam phấn đấu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành phân giới, cắm mốc trên thực địa (khoảng 84%) trên toàn tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia; thực hiện hỗ trợ quốc tế đối với Lào, Campuchia trong công tác dự báo khí tượng, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật, dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội và giám sát tài nguyên và môi trường.

Điều đó cho thấy, công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Tư duy bảo vệ môi trường đã chuyển bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thảo. Bài toán về rác thải đã có lời giải với các dự án, mô hình công nghệ tái chế, tái sử dụng, biến rác thải thành tái nguyên. Cụ thể, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng trung bình 6%/năm với nhiều mô hình hiệu quả; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%.

Xử lý chất thải rắn
Xử lý chất thải rắn. (Ảnh minh họa, nguồn internet)



Các nguồn tài nguyên đã được quản lý tổng hợp, sử dụng hiệu quả, đa mục đích. Thực hiện chuyển dịch hơn 230 ngàn ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp đáp ứng yêu cầu mặt bằng cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nhà ở; đưa 926 ngàn ha đất chưa sử dụng vào sử dụng chủ yếu cho phát triển rừng. Đóng góp từ tài nguyên cho ngân sách nhà nước nước trong giai đoạn 2016-2021 từ đất đai là hơn 1,05 triệu tỷ, từ khoáng sản là hơn 21 ngàn tỷ đồng, từ tài nguyên nước là 11,76 ngàn tỷ đồng. Phát hiện nhiều di sản địa chất với nhiều nét đặc trưng được ghi danh trên bản đồ địa chất toàn cầu. Tiềm năng lợi thế về biển được phát huy, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư. Các vi phạm được thanh tra, kiểm tra xử lý, kiến nghị thu hồi gần 21,5 ngàn ha đất, truy thu hơn 444 tỷ đồng; khiếu nại, tố cáo giảm trung bình 9,0%/năm; khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai giảm 38% so với giai đoạn trước.


HUỲNH LÊ (tổng hợp)
 

 

Có thể bạn quan tâm