Do thay đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, phạm vi ảnh hưởng bão số 7 xác định đến sáng nay là các tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Quảng Ninh.
Vị trí và hướng đi của bão số 7 tính đến chiều 17-10 |
Sáng nay (17-10), tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai tiếp tục họp, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và bàn giải pháp ứng phó bão số 7.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do thay đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, phạm vi ảnh hưởng bão số 7 xác định đến sáng nay là các tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Quảng Ninh.
Cảnh báo các địa phương gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn cần đặc biệt đề phòng gió mạnh và mưa lớn khi bão đi qua. Thời gian bão đổ bộ được xác định là ngày 19/10, nếu vào bờ sớm là 10 giờ sáng, còn muộn có thể là 19 giờ tối cùng ngày.
Kịch bản thứ nhất khi bão đi vào đất liền sẽ tan nhanh mưa kèm theo bão có thể từ 100 đến 300 mm ở các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, trong đó tại tỉnh Quảng Ninh lượng mưa có thể từ 200 đến 300mm. Với kịch bản còn lại, bão sau khi vào đất liền bão suy yếu thành áp thấp, có thể gây mưa ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trên cơ sở nhận định diễn biến mới nhất của cơn bão, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, song song với tập trung cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, các địa phương ven biển Bắc bộ, nhất là khu vực Đông Bắc trong vùng ảnh hưởng bão khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân ở các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt lưu ý hoạt động của các tàu du lịch ở Quảng Ninh và Hải Phòng….
Thượng tá Trần Văn Đình-Phó Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn - Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng cho biết: “Hiện Hải Phòng có 240 tàu, ở Quảng Ninh có hơn 300 chiếc. Đến sáng nay trên Vịnh Hạ Long có khoảng 334 tàu chở 2.336 du khách, trong đó còn có 196 tàu, thuyền với hơn 1.000 du khách nghỉ đêm trên Vịnh. Đề nghị tiếp tục chỉ đạo Quảng Ninh và Hải Phòng hạn chế không để tàu du lịch ra biển và đưa du khách về bờ sớm đảm bảo an toàn tính mạng người dân”.
Đến sáng nay (17-10), số người chết do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã lên đến 25 người; 4 người mất tích; 18 người bị thương; hơn 100 nghìn nhà dân bị ngập úng, hư hại… Khắc phục hậu quả mưa lũ các tỉnh miền Trung, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã huy động hơn 6.200 cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ, với 64 phương tiện các loại tham gia trực tiếp sơ tán, ứng cứu nhân dân tại các khu vực lũ lụt, ngập sâu.
Về ứng phó bão số 7, đã huy động 280 nghìn cán bộ chiến sĩ, với hơn 3.200 phương tiện các loại phối hợp hiệp đồng với chính quyền địa phương ứng trực tại những điểm xung yếu và cơ động cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Ông Văn Phú Chính-Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai nêu rõ, các địa phương không chủ quan trong ứng phó bão số 7. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mưa bão để thông báo kịp thời cho Ban chỉ đạo, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các địa phương để chủ động triển khai phương án và kế hoạch ứng phó kịp thời.
Về tình hình hồ chứa ở các tỉnh Bắc Trung bộ, hiện có 17 hồ trên tổng số 33 hồ có cửa van đang xả lũ; 1.031 hồ trên tổng số 1.878 hồ có tràn tự do đầy nước hoặc đang tràn, chủ yếu là ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Về hồ chứa thủy điện có 10 hồ trên tổng số 146 hồ đang xả tràn.
Đến sáng nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho khoảng 71.000 phương tiện tàu thuyền với 288.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 7 để chủ động phòng tránh.
Theo VOV