Nghề của lòng nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác xã hội (CTXH) không còn là nghề quá mới tại tỉnh Gia Lai hiện nay. Vai trò của những người theo nghề này là phát hiện những cá nhân, nhóm người khó khăn, yếu thế trong xã hội... để giúp họ vượt qua rào cản cuộc sống, hòa nhập cộng đồng một cách tích cực nhất.
Quan tâm và chia sẻ
Sáng nào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cũng trở nên nhộn nhịp sau thông báo của các điều dưỡng viên về nồi cháo tình thương đang chờ sẵn để phục vụ những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây. Xếp hàng rất trật tự, bệnh nhân và người nhà lần lượt nhận suất ăn, trò chuyện cùng nhau thân tình. Nhận xong cháo, bà Nguyễn Thị Sơn (62 tuổi, trú tại xã Diên Phú, TP. Pleiku) đặt 3 chiếc cà mèn xuống kệ hành lang rồi đậy nắp lại cẩn thận. “Tôi nhập viện gần 1 tuần nay vì bệnh tiểu đường và viêm phế quản. Bác sĩ khám thấy đường trong máu tăng cao nên bảo tôi ở lại điều trị. Nhà neo người, con cháu đi làm và đi học nên không có điều kiện ở lại chăm sóc tôi. Nhờ có nồi cháo tình thương nên mỗi sáng tôi được ăn cháo nóng rất ngon, có đậu xanh, cà rốt và thịt. Sáng nay, 3 người ở cùng phòng bị mệt nên nhờ tôi lấy giúp cháo đây!”-bà Sơn nói trước khi quay về buồng bệnh số 9 ở khoa Lão khoa.
Theo bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhận thấy tầm quan trọng của nghề CTXH tại các cơ sở y tế với nhiệm vụ giúp đỡ bệnh nhân và kết nối, huy động sự trợ giúp của xã hội đối với bệnh nhân nghèo, ngày 15-6-2016, Bệnh viện đã thành lập Tổ CTXH. Với tinh thần trách nhiệm, sự yêu thương và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của từng bệnh nhân nghèo, cán bộ, nhân viên Tổ CTXH đã tham gia nhiệt tình, hoạt động rất hiệu quả. Họ chính là cầu nối giữa chính sách bảo hiểm y tế với người bệnh, giúp bệnh nhân được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ y tế. Mặt khác, họ trực tiếp giúp bệnh nhân và người nhà vượt qua khó khăn bằng những đồng tiền hỗ trợ, những bát cháo tình thương và quà tình nghĩa. Nhờ kết nối thành công, Bệnh viện đã nhận được hỗ trợ to lớn về vật chất, tinh thần của nhiều Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh để chăm sóc tốt hơn những bệnh nhân có hoàn cảnh ngặt nghèo.
 Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, điều dưỡng viên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn là cầu nối của bệnh nhân nghèo với các nhà hảo tâm. Ảnh: U.N
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, điều dưỡng viên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai còn là cầu nối của bệnh nhân nghèo với các nhà hảo tâm. Ảnh: U.N
Cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cũng đang đảm nhiệm một công việc quan trọng là tư vấn miễn phí, giúp bệnh nhân tháo gỡ vướng mắc về tư tưởng, kiên trì uống thuốc đủ liều, tin tưởng và yên tâm điều trị. Bà Cao Thị Thu Hiền-phụ trách cơ sở-cho biết: “Từ 7 giờ sáng mỗi ngày, những bệnh nhân đang điều trị lại đến uống thuốc. Qua tìm hiểu kỹ hoàn cảnh từng bệnh nhân, cơ sở tư vấn kỹ lưỡng từ việc ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện thân thể đến giữ gìn sức khỏe, giúp việc điều trị mang lại kết quả tích cực”. Bên cạnh đó, mạng lưới cộng tác viên CTXH còn được hình thành ở các câu lạc bộ phòng-chống HIV/AIDS ở cơ sở. Ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-chia sẻ: “Nói về thành tích trong công tác phòng-chống HIV/AIDS ở tỉnh ta, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh thì còn phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cộng tác viên CTXH”.
Lan tỏa lòng nhân ái
Theo bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, CTXH không chỉ do một cơ quan, đơn vị, địa phương nào đảm trách mà là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, tổ chức, tập thể, cá nhân trong tỉnh. Đơn cử như công tác chăm sóc, tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các cơ sở khám-chữa bệnh hay công tác nhân đạo, trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người nghèo, các gia đình gặp rủi ro trong cuộc sống (bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn lao động, tai nạn giao thông...). Đó còn là công tác chăm sóc, giúp đỡ người bị nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người mắc các tệ nạn xã hội. Dù mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương hay tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng tựu trung đều có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia tích cực vào CTXH.
Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai chưa hình thành được đội ngũ cộng tác viên CTXH ở xã, phường, thị trấn. Ttuy nhiên, đội ngũ cán bộ lao động-thương binh và xã hội, văn hóa-xã hội tại 221 xã, phường, thị trấn và cán bộ phụ trách công tác bảo trợ xã hội tại 17 Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố cũng đã làm rất tốt vai trò là “cầu nối” thực thi các chính sách Nhà nước, kết nối các tổ chức từ thiện, nhân đạo đến với đối tượng nghèo khổ trong xã hội. Tỉnh cũng đã thành lập được Phòng Dịch vụ CTXH trực thuộc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh; 2 Văn phòng tư vấn trợ giúp tại huyện Mang Yang, Chư Sê. Các sở, ban, ngành như Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... cũng đang tích cực chung tay đào tạo đội ngũ làm nghề CTXH, kết nối các tấm lòng thiện nguyện, góp phần chia sẻ với những nhóm người khó khăn, yếu thế trong xã hội. 
Cũng vì ý nghĩa tốt đẹp ấy mà những năm gần đây đã có nhiều học sinh lớp 12 các trường THPT trong tỉnh đăng ký xét tuyển vào ngành CTXH tại các trường đại học, cao đẳng. “Vài năm tới, khi đội ngũ cán bộ vững vàng, “thạo nghề” hơn và có thêm nhiều sinh viên mới ra trường, nghề CTXH sẽ phát triển nhanh, lòng nhân ái trong cuộc sống sẽ càng lan tỏa mạnh mẽ”-bà Thanh kỳ vọng.
UYÊN NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm