Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nghề giám tuyển nghệ thuật: Cơ hội rộng mở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghề giám tuyển nghệ thuật (art curator) xuất hiện tại Việt Nam khoảng trên vài chục năm nay nhưng chỉ thực sự tạo dấu ấn ở những sự kiện lớn.

Tại Gia Lai, đến nay vẫn chưa có giám tuyển nào làm việc độc lập và chuyên nghiệp, trừ vai trò kiêm nhiệm của một số người thực hành nghệ thuật.

Thuật ngữ “giám tuyển” là cách định danh những người giám sát, tuyển chọn, sắp xếp tác phẩm mỹ thuật trong các triển lãm. Tuy nhiên, tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam” do Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2020 cho thấy, người làm nghề giám tuyển phải đảm đương nhiều trách nhiệm hơn thế.

Đó là các phần việc như: chọn chủ đề và thiết kế các cuộc triển lãm; tổ chức tài liệu triển lãm; tham gia phục chế, vệ sinh, giám định, định giá tác phẩm; đảm bảo các vấn đề pháp luật, hợp đồng, dự án, tài trợ, bảo hiểm đối với tác phẩm…

Thêm vào đó, giám tuyển đóng vai trò rất quan trọng khi là người phát hiện những tài năng mới; đóng vai trò cầu nối giữa nghệ sĩ với nhau hoặc nghệ sĩ và công chúng…

Tính chất đa ngành, đa nhiệm vụ trên đòi hỏi người làm giám tuyển phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt chứ không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật.

Triển lãm mỹ thuật “Về miền đất đỏ” của nhóm nữ họa sĩ Gia Lai thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: P.D

Triển lãm mỹ thuật “Về miền đất đỏ” của nhóm nữ họa sĩ Gia Lai thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: P.D

Trao đổi với P.V, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam-cho hay: Bà không xa lạ gì với thuật ngữ “giám tuyển” qua những lần mang tranh đi… treo xứ người.

Tại các triển lãm nhóm trong và ngoài nước, luôn có một giám tuyển làm phần việc lên chủ đề, sắp xếp, bố trí tranh của các tác giả để tạo nên một tổng thể hài hòa, tôn vinh giá trị tác phẩm. Cách đây vài năm, khi bà cùng một số nữ họa sĩ tham gia triển lãm nhóm ở Nhật Bản, Ban tổ chức đã mời 1 giám tuyển độc lập người Nga hỗ trợ.

Ở Gia Lai, đây là nghề hoàn toàn mới và chưa có người tiên phong. Tại các triển lãm mỹ thuật diễn ra trên địa bàn tỉnh, việc chọn lựa và sắp xếp tranh đều do các họa sĩ có kinh nghiệm đảm trách.

Đơn cử, triển lãm nữ họa sĩ chủ đề “Về miền đất đỏ” tổ chức tại Bảo tàng tỉnh vào tháng 10-2023, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu là người khởi xướng và thực hiện một phần công việc của giám tuyển khi chọn tác phẩm, chọn vị trí bố trí tranh để dẫn dắt câu chuyện và cảm xúc của người xem. Sự khéo léo của người giám tuyển giúp tạo nên sự hòa sắc ấn tượng với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, làm bật chủ đề chung của triển lãm.

Theo họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, bà cũng hỗ trợ theo cách đó với những họa sĩ trẻ mong muốn mở triển lãm cá nhân tại Gia Lai trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia trong giới mỹ thuật, dấu ấn của nghề giám tuyển vẫn khá mờ nhạt bởi nghệ thuật đương đại chưa thật sự phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, ở Việt Nam hiện chưa có cơ sở đào tạo chính thức ngành nghề này.

Đa số các giám tuyển đều tự trang bị, trau dồi kiến thức về phê bình nghệ thuật và cảm thụ nghệ thuật, có chỗ đứng nhất định trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Trong điều kiện đó, Câu lạc bộ (CLB) Pleiku Art Curators có thể xem là bước đi đầu tiên góp phần nâng cao kiến thức, trình độ thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, trước tiên với các thành viên.

Một góc triển lãm "Phái đẹp" do CLB Art Curators tổ chức (ảnh NVCC)

Một góc triển lãm "Phái đẹp" do CLB Art Curators tổ chức (ảnh NVCC)

Bạn trẻ Mai Ngọc Anh-Chủ nhiệm CLB Pleiku Art Curators-cho biết: Bản thân rất yêu thích các loại hình nghệ thuật, trong đó có hội họa. Nhận thấy điều kiện thưởng thức nghệ thuật của các bạn trẻ tại TP. Pleiku còn hạn chế nên Mai Ngọc Anh thành lập CLB như là chiếc cầu nối giữa người thưởng thức với tác phẩm và nghệ sĩ.

Trên Fanpage của nhóm, gần đây, Pleiku Art Curators chọn giới thiệu nhiều thông tin, hình ảnh thú vị về các triển lãm như “Ngẫu biến” của họa sĩ Hồng Lĩnh tại TP. Hồ Chí Minh; triển lãm “Finding Parkinsons” của tác giả David Thomas-một lính Mỹ từng tham chiến ở Pleiku-tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng…

Pleiku Art Curators còn tổ chức nhiều hoạt động lý thú như thi sáng tạo (vẽ tranh, cắt dán giấy, thiết kế đồ họa) và triển lãm chủ đề “Tìm”; phối hợp thi thiết kế bìa sách; mở triển lãm “Phái đẹp”…

Có thể nói, CLB đang thực hành một khía cạnh nhỏ của nghề giám tuyển. “Pleiku ngày càng năng động, phát triển, kéo theo sự sôi nổi của các hoạt động nghệ thuật, triển lãm. Do đó, cơ hội nghề giám tuyển cũng ngày càng rộng mở. Nếu sau này có dịp, mình mong muốn thử sức với nghề này”-Ngọc Anh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm