Văn hóa

Nghệ nhân và truyền nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai chỉ có 32 người được Chủ tịch nước công nhận Nghệ nhân Ưu tú. Hầu hết họ đều đã tuổi cao, sức yếu. Sẽ ra sao nếu những “báu vật nhân văn sống” này không tìm được truyền nhân?

Với các nghệ nhân, việc truyền dạy nghề truyền thống và tình yêu bản sắc cho học trò đã khó, trao truyền cho chính con em mình lại càng khó hơn. Trong bối cảnh đó, một số nghệ nhân ưu tú đã xây dựng thành công một lứa “truyền nhân” đầy tinh thần trách nhiệm đối với truyền thống của gia đình và dân tộc mình.

Tại làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) có một gia đình hiếm có khi cả 2 vợ chồng đều được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú, đó là ông bà Đinh Bi-Đinh Thị Hiền. Càng hiếm có hơn khi cả 4 người con đều theo học nghề truyền thống của cha mẹ. Anh con trai đầu Đinh Văn Hay theo cha học đan lát; 3 cô con gái gồm Đinh Thị Hái, Đinh Thị Hằng, Đinh Thị Bem đều nhờ mẹ mà giỏi nghề dệt, trong đó, chị Đinh Thị Hái khéo tay và tâm huyết nhất.

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Hiền và con gái Đinh Thị Hái. Ảnh: Phương Duyên

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Hiền và con gái Đinh Thị Hái. Ảnh: Phương Duyên

Ngồi bên khung cửi, chị Hái vừa làm vừa vui vẻ chuyện trò: Ngày trước, mẹ chị thường nói, con gái Bahnar phải biết dệt để sau này dệt váy, dệt khố tặng bố mẹ chồng. Chị bắt đầu học dệt thổ cẩm với mẹ từ năm 15 tuổi không chỉ vì phong tục mà còn bởi thật sự yêu những hoa văn đẹp của dân tộc mình. Học theo mẹ, chị nắm được tất cả các công đoạn làm ra một tấm thổ cẩm truyền thống, từ trồng bông, bật bông, xe sợi, nhuộm, dệt... “Mình đã dệt tặng mẹ chồng 1 tấm chăn, 1 bộ váy áo. Mình biết ơn mẹ đã truyền nghề này. Mong là con gái mình sau này cũng biết dệt thổ cẩm”-chị Hái mỉm cười cho hay.

Chị Hái là chủ một cơ sở dệt thổ cẩm ở làng Kgiang mà tới đây sẽ phát triển thành câu lạc bộ với khoảng 15 thành viên. Hiện nguồn thu của cơ sở từ các sản phẩm như váy, áo, túi xách, ví, khăn quấn đầu… xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Đáng nói, trong số 11 sản phẩm vừa được UBND huyện Kbang chứng nhận đạt OCOP 3 sao năm 2023 có sản phẩm “Khăn quàng cổ Brưng” của chị Hái. Đây là những chiếc khăn được dệt hoàn toàn bằng sợi bông truyền thống với hoa văn brưng đặc trưng của đồng bào Bahnar (hình thoi và mặt trời 8 cạnh). Có nhãn hiệu và hộp được thiết kế riêng bắt mắt, sản phẩm mềm mại và tinh tế, giá cả vừa túi tiền, khăn quàng cổ Brưng đang trở thành sản phẩm du lịch cực kỳ hấp dẫn và đã được cấp quyền sở hữu trí tuệ.

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih dạy con trai cách chơi đàn Klek Klok. Ảnh: Phương Duyên

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih dạy con trai cách chơi đàn Klek Klok. Ảnh: Phương Duyên

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) không khỏi tự hào khi tìm ra truyền nhân trong số 5 người con. Rơ Châm Tih là nghệ nhân hết sức đa tài ở nhiều lĩnh vực như: diễn tấu cồng chiêng, chế tác và biểu diễn nhạc cụ truyền thống, đan lát… nên không lạ gì khi anh lấy tên một số nhạc cụ đặt tên cho con như: t'rưng, Ting Ning. Trong đó, cậu con trai út tên Siu Ting Ning (lớp 7, Trường THCS Trần Phú, xã Ia Dêr) có tư chất giống cha nhất.

Từ nhỏ, Ting Ning đã mê tiếng cồng chiêng nên được cha dạy cho cách cầm, cách chơi chiếc chiêng nhỏ nhất. Trong xưởng chế tác lúc nào cũng sẵn các loại nhạc cụ như: t'rưng, klông pút, klek klok nên Ting Ning cũng học được rất nhanh cách diễn tấu. Riêng với chiếc đàn ting ning giống với tên mình, cậu đang cố gắng học để chơi nhuần nhuyễn hơn. Do ban ngày cha bận làm việc, con bận học nên đêm đến 2 cha con mới cùng nhau dành thời gian cho tình yêu văn hóa truyền thống. Thật xúc động trước hình ảnh mái đầu điểm bạc của nghệ nhân Rơ Châm Tih nghiêng nghiêng lúc say sưa “thị phạm”cho con từng cách gõ nhịp những bài dân ca của dân tộc như “Em là hoa pơ lang”, “Bình minh” hay giai điệu kinh điển của bài “Ca ngợi Anh hùng Núp”… “Dạy người khác bao giờ cũng dễ, nhưng bố với con thì lại khó hơn. Thấy con thật sự yêu thích, mình phấn khởi lắm!”-Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih tự hào nói.

Chơi các loại nhạc cụ ngày càng lên tay nên gần đây Ting Ning được theo cha biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn như: Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023; Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023… Ting Ning bày tỏ mong ước: “Em muốn học hỏi nhiều hơn nữa để sau này trở thành nghệ nhân giỏi như ba”.

Sự trao truyền liên thế hệ ấy đã gạt đi nỗi lo đứt gãy văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Vẻ đẹp riêng có, sắc màu lấp lánh của bản sắc-điều làm nên giá trị di sản-sẽ còn mãi từ nỗ lực trao truyền đầy trách nhiệm của các chủ thể văn hóa trên vùng đất cao nguyên.

Có thể bạn quan tâm