Xã hội

Gia đình

Nghỉ hè: Phụ huynh làm gì để trông con?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghỉ hè và câu chuyện trông con như thế nào đang là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Người chọn "nhốt" trẻ trong nhà hay gửi trẻ về quê. Đây cũng là thời điểm các trung tâm kỹ năng "hái ra tiền".

Phụ huynh có nhiều lựa chọn như cho con tham gia các lớp học phụ đạo, gửi về quê... tuy nhiên, cần nghiên cứu kĩ từng phương án. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn
Phụ huynh có nhiều lựa chọn như cho con tham gia các lớp học phụ đạo, gửi về quê... tuy nhiên, cần nghiên cứu kĩ từng phương án. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn


Nên kết hợp nhiều phương án

Trước mỗi kỳ nghỉ hè, nhiều phụ huynh ở các thành phố lại lo lắng vì sẽ phải thu xếp công việc để đảm bảo trông con trong thời gian không tới trường. Đặc biệt, khi Bộ GDĐT dự kiến từ những năm học sau, học sinh sẽ nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, lại càng khiến phụ huynh bồn chồn.

Hiện tại, phụ huynh sẽ có thể kết hợp nhiều giải pháp như gửi trẻ về quê, cho con theo học các khoá kỹ năng mềm, trại hè... hay cho trẻ tham gia vào chính các hoạt động gia đình, cộng đồng.

Các trung tâm hiện có rất nhiều loại trại hè như về quê, kỹ năng, thể thao, quân đội, tiếng Anh... Tùy vào điều kiện, các bậc phụ huynh và học sinh có thể lựa chọn loại trại hè phù hợp. Mức phí dao động khoảng 2-5 triệu đồng; bao gồm tất cả chi phí ăn, ở, đi lại, tham quan du lịch, giáo viên, hướng dẫn viên...

Theo thạc sĩ Lê Thị Loan – Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục: Với đặc thù ở thành phố bố mẹ đi làm cả ngày sẽ rất khó có thời gian trông con, vì thế, nhiều người lựa chọn cho con tham gia vào các trung tâm dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm, thậm chí dạy văn hóa.

Trẻ đến trung tâm, đến lớp không nặng nề việc học kiến thức nhưng được giao lưu với bạn bè, tăng cường sức khỏe, vừa phục vụ đam mê của các con vừa được bổ túc kiến thức của năm học trước, rèn luyện, bổ trợ tiếng Anh... Đặc biệt, đây cũng là một cách trông con an toàn, là cơ hội để các trung tâm "hái ra tiền".

Không nên "ép" học quá nhiều

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của các trại hè dạy kỹ năng mềm, song nếu như phụ huynh quá lệ thuộc hay "ép" trẻ học quá nhiều có thể sẽ phản tác dụng, thạc sĩ Loan bày tỏ.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh việc cần thiết có các quy định rõ ràng về các lớp học phụ đạo như thời điểm, thời lượng... Thậm chí, chúng ta nên có quy định xử phạt các cha mẹ bắt con đi học thêm quá nhiều.

TS Hương cũng lưu ý phụ huynh cần dạy con về vấn đề an toàn trong dịp hè. “Nhiều gia đình cho con về quê nhưng ông bà không để ý dạy nên các con có thể gặp tai nạn như đuối nước, hỏa hoạn, bị xâm hại. Trẻ em ở thành phố cũng gặp rất nhiều vấn đề như tai nạn thang máy, thang bộ, ngã từ tầng cao xuống...”, bà Hương cảnh báo.

Còn PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục đề xuất: "Để giáo dục một đứa trẻ, chúng ta cần cả một ngôi làng. Với những gia đình bận rộn, chúng ta có thể  thiết lập liên gia canh gác và quản lý hoạt động cho trẻ. Nghỉ hè không có nghĩa là hoạt động giáo dục dừng lại".

Theo ông Nam, nhà trường cần có kế hoạch trao đổi tập huấn cho cha mẹ kỹ năng quản lý con cái trong thời gian nghỉ hè, lôi kéo gia đình tham gia vào các quyết định tổ chức hoạt động trải nghiệm cho con trong thời gian hè.

Trường không dạy học nhưng hoàn toàn có thể gợi ý khung chương trình hoạt động cho từng độ tuổi, giám sát chất lượng chương trình, nội dung hoạt động trải nghiệm và thậm chí cả chuẩn năng lực cần hình thành theo khối lớp phù hợp giúp các em vận dụng kiến thức đã học trong năm học vào cuộc sống.

Cùng với đó, cộng đồng địa phương tăng cường các biện pháp giám sát hoạt động của học sinh trên địa bàn, tuyến phố, giám sát các dịch vụ như game online. Thực hiện liên gia canh gác an ninh khu phố, không gian sân chơi chung cùng với công an khu vực.

Các tổ chức xã hội và đoàn thể tại địa phương tăng cường phát triển các hoạt động câu lạc bộ sở thích, các nhóm chương trình hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống.

Ngoài ra, thời điểm nghỉ hè cũng giúp con trẻ có cơ hội được trải nghiệm các công việc trong gia đình, thậm chí, những em lớn có thể đi làm thêm để hiểu hơn giá trị của đồng tiền, của lao động, sống có trách nhiệm hơn.

https://laodong.vn/giao-duc/nghi-he-phu-huynh-lam-gi-de-trong-con-818985.ldo

Theo HUYÊN NGUYỄN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm