Nghĩ về kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có thông báo kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020. Gia Lai “đứng” ở đâu trong bảng xếp hạng (không chính thức) này?
Bài viết này đưa ra một phép so sánh mang tính tương đối về kết quả của 5 tỉnh Tây Nguyên cùng với 5 tỉnh lân cận của Gia Lai.
Xếp thứ tự, theo số lượng giải, ở khu vực Tây Nguyên: Đak Lak (39 giải, gồm 4 nhì, 16 ba, 19 khuyến khích), Gia Lai (28 giải, gồm 2 nhì, 12 ba, 14 khuyến khích), Lâm Đồng (25 giải, gồm 4 nhì, 11 ba, 10 khuyến khích), Đak Nông (11 giải, gồm 6 ba, 5 khuyến khích), Kon Tum (9 giải, gồm 3 ba, 6 khuyến khích). Như vậy, về số lượng giải, Gia Lai xếp thứ 2 trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Dẫn đầu là Đak Lak, xếp cuối bảng là Kon Tum. Có thể nói, đây là năm “thất thu” của Kon Tum!  
 Đội tuyển học sinh tỉnh Gia Lai tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020 và các thầy-cô giáo chụp ảnh lưu niệm trước khi bước vào kỳ thi. Ảnh: Mộc Trà
Đội tuyển học sinh tỉnh Gia Lai tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020 và các thầy-cô giáo chụp ảnh lưu niệm trước khi bước vào kỳ thi. Ảnh: Mộc Trà
Xếp thứ tự, theo số lượng giải, ở khu vực Tây Nguyên và 5 tỉnh lân cận: Đak Lak (39 giải), Quảng Nam (33 giải, gồm 3 nhì, 10 ba, 20 khuyến khích), Bình Định (32 giải, gồm 2 nhì, 12 ba, 18 khuyến khích), Gia Lai (28 giải), Khánh Hòa (26 giải, gồm 4 nhì, 7 ba, 15 khuyến khích), Lâm Đồng (25 giải), Phú Yên (18 giải, gồm 6 ba, 12 khuyến khích), Quảng Ngãi (18 giải, gồm 2 nhì, 3 ba, 13 khuyến khích), Đak Nông (11 giải), Kon Tum (9 giải). Như vậy về số lượng giải, Gia Lai xếp thứ 4 trong 10 tỉnh Tây Nguyên và lân cận. Dẫn đầu vẫn là Đak Lak, Kon Tum vẫn đứng ở vị trí cuối cùng.
Trên đây là vị thứ được xếp theo số lượng giải mà các tỉnh Tây Nguyên và lân cận đạt được. Tất nhiên, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” nên rất ít khi vị thứ của một cuộc thi được xếp theo tiêu chí này. Và khi đó, tiêu chí “quy ra điểm” của từng loại giải thường được áp dụng. Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ đưa ra bất kỳ một tiêu chí nào để xếp thứ tự cho các tỉnh, thành phố và các trường đại học trong kỳ thi này. Vậy thì sao?
Bài viết này thử đưa ra một tiêu chí để “quy điểm”. Tiêu chí ấy là: giải khuyến khích được 1 điểm, giải ba được 3 điểm, giải nhì được 5 điểm và giải nhất được 7 điểm. Giải nhất là giải danh giá, đáng “ngàn vàng” trong bất kỳ một cuộc thi nào. Và đó cũng là lý do mà bài viết này cho 2 giải kề nhau chênh lệch đến 2 điểm.
Với tiêu chí nêu trên, thứ tự của các đơn vị sẽ như sau:
Xếp thứ tự, theo điểm quy đổi, ở khu vực Tây Nguyên: Đak Lak (87), Lâm Đồng (63), Gia Lai (60), Đak Nông (23), Kon Tum (15). Như vậy, về điểm số, Gia Lai xếp thứ 3 trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Và dù xếp theo kiểu nào, Đak Lak vẫn dẫn đầu và đứng cuối bảng vẫn là Kon Tum.
Xếp thứ tự, theo điểm quy đổi, ở khu vực Tây Nguyên và 5 tỉnh lân cận: Đak Lak (87), Quảng Nam (65), Bình Định (64), Lâm Đồng (63), Gia Lai (60), Khánh Hòa (56), Quảng Ngãi (32), Phú Yên (30), Đak Nông (23), Kon Tum (15). Như vậy, về điểm số, Gia Lai xếp thứ 5 trong 10 tỉnh Tây Nguyên và lân cận. Dẫn đầu và cuối bảng vẫn theo thứ tự tương ứng là Đak Lak và Kon Tum.
Nhìn nhận một cách khách quan, Gia Lai trong cả 2 cách tính trên đều thuộc “tốp” chấp nhận được. Để nâng cao chất lượng giải trong những năm sau, một chiến lược lâu dài về phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh nhà cần được bắt đầu ngay từ những năm đầu tiên ở bậc THCS, thậm chí là việc “săn người” ở những năm cuối của bậc tiểu học.
 TS. TRỊNH ĐÀO CHIẾN

Có thể bạn quan tâm