(GLO)- Chiều 20-12, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Ứng dụng mô hình Swat để đánh giá, dự báo và cảnh báo tình trạng xói mòn đất trên đất dốc canh tác vùng đồi núi tại tỉnh Gia Lai”. Đề tài do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, Tiến sĩ Ngô Thanh Sơn làm chủ nhiệm.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung |
Mô hình Swat được xây dựng để mô phỏng ảnh hưởng của việc quản lý sử dụng đất đến nguồn nước, bùn cát và hàm lượng chất hữu cơ trong hệ thống lưu vực sông với các loại đất, cùng các điều kiện sử dụng đất khác nhau và điều kiện quản lý tương ứng với một khoảng thời gian dài.
Đề tài đã chọn các địa phương có diện tích đất với độ dốc lớn trong tỉnh gồm: huyện Mang Yang, Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa để nghiên cứu. Từ đó, xây dựng bản đồ nguy cơ xói mòn đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai dưới tác động của biến đổi khí hậu và thủy văn; xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố gây xói mòn trên đất dốc. Từ đó, đề xuất biện pháp giảm thiểu xói mòn liên quan đến những thay đổi về khí hậu và sử dụng đất, thoái hóa đất canh tác; xây dựng website cảnh báo nguy cơ xói mòn đất. Đề tài được triển khai thực hiện trong vòng 2 năm với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng.
Tiến sĩ Ngô Thanh Sơn báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài. Ảnh: Trần Dung |
Qua nghiên cứu, đề tài đã đưa ra 3 kịch bản làm cơ sở mô phỏng sự thay đổi dòng chảy và bùn cát của lưu vực sông Ba trong tương lai, gồm: kịch bản thay đổi sử dụng đất theo hướng thông thường; kịch bản thay đổi sử dụng đất theo hướng phát triển nhanh; kịch bản thay đổi sử dụng đất theo hướng bảo tồn. Sau khi hoàn thành đề tài, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn, ứng dụng nhiều phần mềm mô hình, dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mở rộng công cụ web.
Kết quả, đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh xếp loại đạt.
TRẦN DUNG