Sức khỏe

Dinh dưỡng

Ngộ độc nặng sau khi ăn mật cá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các bác sĩ Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân (BN) nữ 79 tuổi (ở H.Thanh Ba, Phú Thọ) nhập viện sau khi ăn mật cá trôi để bồi bổ sức khỏe.

BN được chuyển đến cấp cứu với thể trạng suy kiệt. 3 ngày trước nhập viện, BN ăn mật cá. 1 ngày sau, BN nôn nhiều, đau bụng dữ dội, được gia đình đưa đi cấp cứu. Hiện BN đã thoát khỏi nguy kịch và tiếp tục theo phác đồ điều trị ngộ độc.

Trước đó, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận một số ca ngộ độc nặng sau khi ăn mật cá trắm để bồi bổ sức khỏe. TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết các ca ngộ độc do ăn mật cá trắm đều nhầm tưởng mật cá trắm rất tốt cho sức khỏe hoặc có tác dụng chữa bệnh, BN thường sử dụng theo cách nuốt sống cả túi mật với nước, rượu, hoặc trộn với mật ong.

Theo Cục An toàn thực phẩm, độc tố chính trong mật cá trắm hay cá trôi gây tổn thương gan, thận. Chất này có thể gây tử vong do người ngộ độc bị phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước; tổn thương ống thận, tổn thương gan. Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đưa vào cơ thể. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời. Độc tố trong mật cá bền vững với nhiệt, vẫn giữ độc tính khi nấu chín nên vẫn gây ngộ độc. Hiện chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc ăn mật cá (trôi, trắm) có tác dụng chữa bệnh.

Có thể bạn quan tâm