Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Ngư dân tố bị tàu TQ đuổi,cướp 2 tấn mực:'Chúng tôi kiên quyết bám biển'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Tàu Trung Quốc yêu cầu chúng tôi không được đánh bắt tại vùng biển này nữa. Nhưng đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, dù bị uy hiếp, bị cướp chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển”, ngư dân Nhân nói.
 
Ngư dân Trần Văn Nhân buồn bã kể lại sự việc. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Sáng 7.6, bà Trần Thị Mỹ Dung, Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam), cho biết một tàu cá của ngư dân địa phương đang thác hải sản ngoài biển, thì bị tàu Trung Quốc chặn cướp đi hơn 2 tấn mực khô.
Chuyến ra khơi bão táp
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào sáng 7.6, một số người dân trên tàu cá mang số hiệu QNa 91441TS, vẫn đang bận rộn đưa những khay cá từ dưới hầm tàu lên bán cho thương lái sau chuyến ra khơi đầy bão táp.
 
Tàu cá số hiệu QNa 91441TS cập cảng Kỳ Hà sau chuyến ra khơi đầy bão táp. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Với khuôn mặt đầy mệt mỏi, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá mang số hiệu QNa 91441TS, ông Trần Văn Nhân (42 tuổi, ở trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cho biết sau khi tàu cập cảng Kỳ Hà (Tam Quang), ông đã đến Đồn biên phòng cảng Kỳ Hà (thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam) để trình báo sự việc tàu mình bị tàu Trung Quốc uy hiếp, cướp đi hơn 2 tấn mực khô khi đang đánh bắt trên biển.
Theo anh Nhân, vào khoảng 13 giờ ngày 2.6, anh cùng 10 ngư dân thả trôi tàu để ngủ trưa tại vĩ tuyến 15,42 độ vĩ Bắc – 111,34 độ kinh Đông, cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 22 hải lý thì bị một tàu Trung Quốc số hiệu 46305, trên tàu có treo lá cờ Trung Quốc áp sát.
“Khi tàu áp sát thì tất cả anh em trên tàu đều đang nghỉ trưa, sau đó 6 thanh niên nhảy lên tàu, trong đó có 2 người nói tiếng Việt Nam. Khi bước lên tàu thì những thanh niên này khống chế, yêu cầu tất cả ngư dân chúng tôi dồn về trước mũi tàu. Những thanh niên này yêu cầu chúng tôi không được nhìn chúng, cũng không được nói chuyện”, ông Nhân nhớ lại.
Cũng theo ông Nhân, ngay sau đó một trong 6 thanh niên đưa cho chúng tôi một quyển sổ yêu cầu ghi rõ họ tên, nơi ở của tất cả ngư dân trên tàu.
 
Ngư dân Nhân, chủ tàu bị cướp cho biết dù chuyện gì đi nữa vẫn kiên quyết tám biển để bảo vệ chủ quyền. ẢNH: MẠNH CƯỜNG
“Dù chúng tôi đánh bắt thuộc vùng biển Việt Nam nhưng họ vẫn nói rằng vùng biển này thuộc vùng biển Trung Quốc yêu cầu chúng tôi không được đánh bắt. Họ còn bảo rằng, đây là vi phạm lần đầu nếu lần thứ hai thì sẽ cắt hết lưới và lấy hết tài sản và sau đó sẽ lại dắt tàu về Trung Quốc”, ông Nhân nói và cho hay việc những người trên tàu Trung Quốc yêu cầu thế này là hết sức vô lý.
'Dù thế nào chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển'
Trên khuôn mặt vẫn hiện hữu nổi lo sợ, ngư dân Trần Phu (71 tuổi, ở thôn 2, xã Tam Quang), người trực tiếp tham gia chuyến đánh bắt buồn bã cho hay những thanh niên trên tàu Trung Quốc nhìn rất hung hãn.
“Chúng yêu cầu chúng tôi dỡ hết hầm cá và hầm mực ra kiểm tra, do cá thúi quá chúng không lấy mà chỉ lấy đi hơn 2 tấn mực đã phơi khô bỏ trong hầm. Dù tàu đã về tới bờ nhưng việc ngư dân thường xuyên bị tàu lạ uy hiếp tại vùng biển Việt Nam khiến chúng tôi vô cùng lo lắng và hoang mang”, ông Phu ngao ngán.
 
Một ít mực còn sót lại trên tàu. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Tiếp lời ngư dân Phu, ông Nhân nói thêm: "Sau khi cướp xong hơn 2 tấn mực thì họ yêu cầu chúng tôi đánh tàu về Việt Nam gấp. Đồng thời, yêu cầu không được đánh vùng biển này nữa nhưng chúng tôi vẫn đánh bắt tiếp".
“Sau khi bị cướp hơn 2 tấn mực khô, tàu Trung Quốc yêu cầu chúng tôi không được đánh bắt tại vùng biển này nữa. Nhưng đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, dù bị uy hiếp, bị cướp chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển”, ông Nhân nói.
Ông Nhân cũng thông tin thêm, sau khi tàu cá Trung Quốc bỏ đi, ông đã điện thoại về báo cho Trạm Duyên Hải Miền Trung và chính quyền địa phương xã Tam Quang.
“Với giá hiện tại thì hơn 2 tấn mực khô bị cướp ước tính thiệt hại hơn 250 triệu đồng; còn chi phí sau chuyến ra khơi với tiền bạn thuyền nữa là chuyến ra khơi này thiệt hại khoảng 800 triệu đồng”, ông Nhân nhẩm tính.
Được biết, tàu cá ông Nhân xuất bến vào ngày 23.5, trên tàu có 11 ngư dân hành nghề chụp mực khơi.
Mạnh Cường (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm