Văn hóa

Người dân Gia Lai hân hoan đón giao thừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tối 21-1 (tức 30 Tết), hàng ngàn người dân Gia Lai từ nhiều địa phương nô nức đổ về Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) để đón thời khắc thiêng liêng nhất của năm. Tất cả đều rạng rỡ nụ cười trong không khí rộn ràng sắc Xuân.

Quảng trường Đại Đoàn Kết luôn là điểm đến hàng đầu mỗi dịp giao thừa. Năm nay, dù không có màn bắn pháo hoa nhưng vẫn có hàng ngàn lượt người xúng xính áo quần đổ về địa điểm này để đón xem chương trình nghệ thuật và cùng nhau chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Chương trình nghệ thuật mừng Xuân Quý Mão 2023 mang tên “Xuân yêu thương-Tết đoàn viên” do UBND TP. Pleiku phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh cùng một số cơ quan, đơn vị thực hiện.

Dòng người ken đặc tập trung đón giao thừa ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Văn Ngọc

Dòng người ken đặc tập trung đón giao thừa ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Văn Ngọc

Đây là chương trình nghệ thuật hoành tráng, được dàn dựng công phu với hàng trăm nghệ sĩ tham gia biểu diễn. Chương trình có 2 phần các nghệ sĩ của đội Truyên truyền lưu động và Đoàn nghệ thuật của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Đội Lân-sư-rồng của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku thực hiện. Chương trình là màn tổng hòa của nhiều tiết mục truyền thống lẫn hiện đại mang âm hưởng của mùa Xuân. Đặc biệt, màn biểu diễn múa Lân-sư-rồng đã mang đến không khí rộn ràng, tươi vui cho khán giả, nhất là các em nhỏ có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Để chuẩn bị cho buổi biểu diễn đêm nay, các nghệ sĩ đã phải tập luyện rất nghiêm túc, kỹ càng, nhuần nhuyễn từng tiết mục. Chúng tôi mong muốn mang đến cho người dân Gia Lai một không khí rộn ràng, phấn khởi trong thời khắc thiêng liêng này để gác lại những câu chuyện năm cũ, hướng đến một năm mới với nhiều thắng lợi, niềm vui mới”.

Các tiết mục được dàn dựng công phu xen lẫn truyền thống và hiện đại. Ảnh: Văn Ngọc

Các tiết mục được dàn dựng công phu xen lẫn truyền thống và hiện đại. Ảnh: Văn Ngọc

Những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn của chương trình thực sự đã giúp người xem tận hưởng cảm giác đầm ấm nhưng không kém phần sôi động của ngày Tết dân tộc. Anh Thuư (xã Chư Á, TP. Pleiku) hồ hởi: “Nhà mình khá xa, hơn 10 km nhưng mấy đứa trẻ trong nhà háo hức nên mình chở vợ con đi xem văn nghệ. Chương trình hôm nay rất vui, sôi động, lũ trẻ nhà mình thích lắm. Năm vừa rồi làm ăn chưa được như ý, mình hy vọng sau hôm nay, ngày mai năm mới rồi mọi thứ sẽ khác, công việc sẽ suôn sẻ thuận lợi hơn”.

Sinh ra, lớn lên tại xã Ia Yok (huyện Ia Grai) nhưng hiện sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, anh Đinh Phan Vũ Long không có nhiều cơ hội được ăn Tết tại quê nhà. Do đó, anh luôn trân trọng những khoảnh khắc được ở bên gia đình ngày Tết. Vượt quãng đường hơn 20 km, tối 30 Tết, anh đưa mẹ cùng vợ con đến đón giao thừa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. “Cũng lâu rồi tôi mới về Gia Lai do dịch bệnh những năm qua, lần này về thấy Gia Lai phát triển, nhộn nhịp hẳn. Mong rằng bước sang năm mới, mọi gia đình sẽ tràn đầy sức khỏe, giành nhiều thắng lợi mới, Gia Lai sẽ có những bước tiến vượt bậc hơn nữa và sẽ mãi là nơi để những người con xa quê như chúng tôi khao khát tìm về”-anh Long bồi hồi.

Nhiều người muốn ghi lại hình ảnh ấn tượng của các tiết mục nghệ thuật. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiều người muốn ghi lại hình ảnh ấn tượng của các tiết mục nghệ thuật. Ảnh: Văn Ngọc

Tối 30 Tết ở khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết có nhiều vị khách nước ngoài cùng chung vui không khí đón giao thừa. Anh Julien (SN 1998, người Pháp) lần đầu đến với Gia Lai và vô cùng bất ngờ với những gì đang đón nhận. Anh chia sẻ: “Tôi thực sự cảm thấy may mắn vì chuyến du lịch này lại đúng vào thời điểm người dân Gia Lai đón giao thừa. Tôi đi xe máy dọc Việt Nam, qua nhiều tỉnh thành và hôm nay dừng lại ở Gia Lai. Các chương trình tối nay rất đặc biệt, tôi sẽ quay lại video để gửi cho bạn bè ở Pháp của tôi xem. Đây chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó phai trong chuyến hành trình kéo dài 1 tháng của mình”.

Anh Julien-du khách người Pháp cảm thấy may mắn khi được tận hưởng khoảnh khắc giao thừa trong cái Tết người Việt. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Julien-du khách người Pháp cảm thấy may mắn khi được tận hưởng khoảnh khắc giao thừa trong cái Tết người Việt. Ảnh: Văn Ngọc

Không được ở bên gia đình vào buổi tối cuối cùng của năm cũ, các nhân viên dọn vệ sinh của Bảo tàng tỉnh cũng tranh thủ chụp cùng nhau những bức ảnh kỷ niệm vào thời khắc đặc biệt này. Bởi khi chương trình văn nghệ đang diễn ra là khoảng thời gian hiếm hoi họ được quây quần, chuyện trò rôm rả cùng những người đồng nghiệp trước khi bắt tay vào nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Sau khi chương trình kết thúc lúc 22 giờ, họ sẽ khẩn trương làm việc để trả lại “mặt bằng” sạch sẽ trước khoảnh khắc năm mới Quý Mão 2023 đến.

Chị Lê Thị Đặng-nhân viên của Bảo tàng tỉnh tâm sự: “Chúng tôi cố gắng dọn dẹp thật nhanh, hy vọng sẽ về kịp đón giao thừa với gia đình. Làm nghề này cũng hiếm khi được ở bên chồng con lúc giao thừa, nhưng chúng tôi cũng rất vui vì đã góp phần vào làm sạch, đẹp khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết”.

Khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi của những nhân viên vệ sinh của Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Văn Ngọc

Khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi của những nhân viên vệ sinh của Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Văn Ngọc

Năm cũ qua đi, một năm mới lại đến, người dân Gia Lai đã cùng nhau có khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng để bước vào một năm mới tràn đầy năng lượng tích cực với nhiều hy vọng may mắn, thành công…

Sau đây là những hình ảnh người dân Gia Lai nô nức đón giao thừa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết vào tối 30 Tết:

Hàng ngàn người dân đón xem chương trình nghệ thuật chào Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Văn Ngọc

Hàng ngàn người dân đón xem chương trình nghệ thuật chào Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Văn Ngọc

Hàng trăm nghệ sĩ đã tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: Văn Ngọc

Hàng trăm nghệ sĩ đã tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: Văn Ngọc

Người người xúng xính áo quần trong khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ. Ảnh: Văn Ngọc

Người người xúng xính áo quần trong khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ. Ảnh: Văn Ngọc

Tiết mục múa Lân-sư-rồng mang lại sự phấn khích cho khán giả. Ảnh: Văn Ngọc

Tiết mục múa Lân-sư-rồng mang lại sự phấn khích cho khán giả. Ảnh: Văn Ngọc

Người dân Gia Lai nô nức đón giao thừa ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Văn Ngọc

Người dân Gia Lai nô nức đón giao thừa ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Văn Ngọc

Lực lượng Công an tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Văn Ngọc

Lực lượng Công an tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Văn Ngọc

Các em nhỏ thích thú với màn biểu diễn Lân-sư-rồng. Ảnh: Văn Ngọc

Các em nhỏ thích thú với màn biểu diễn Lân-sư-rồng. Ảnh: Văn Ngọc

Các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã mang đến cho khán giả những ca khúc mang âm hưởng mùa xuân. Ảnh: Văn Ngọc

Các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã mang đến cho khán giả những ca khúc mang âm hưởng mùa xuân. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Trần Ngọc Nhung-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (bìa phải, hàng trước) theo dõi chương trình nghệ thuật. Ảnh: Văn Ngọc
Ông Trần Ngọc Nhung-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (bìa phải, hàng trước) theo dõi chương trình nghệ thuật. Ảnh: Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm