(GLO)- Từ năm 2017 đến nay, phong trào trồng rừng kinh tế phát triển ở khắp các buôn làng của xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Phong trào đã mở ra hy vọng giúp người dân nâng cao thu nhập.
Xác định nông-lâm nghiệp là ngành sản xuất chính của địa phương, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Hà Đông đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích, năng suất các loại cây trồng chủ lực. Bên cạnh đó, xã chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án từ các nguồn vốn của Nhà nước, vốn hỗ trợ, vốn vận động và sự giúp đỡ của cộng đồng vào công tác giảm nghèo. Nhờ đó, số hộ nghèo của xã giảm từ 525 hộ (chiếm 66%) năm 2014 xuống còn 303 hộ (chiếm 32%) vào cuối năm 2019.
Người dân xã Hà Đông chuẩn bị cây giống trồng rừng. Ảnh: M.N |
Theo ông Lương Minh Thiện-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông, từ thực tế tiềm năng đất đai chưa khai thác trên địa bàn, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi đất trống, đất trồng mì bạc màu sang trồng rừng kinh tế. Đồng thời, xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện kế hoạch của UBND huyện Đak Đoa về công tác trồng rừng. Từ đầu tháng 8-2017, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiến hành giao nhận, cấp phát 335.000 cây keo lai giống cho 214 hộ dân đăng ký trồng rừng với diện tích 168 ha.
Cũng trong năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã xây dựng phương án và hỗ trợ giống cây keo lai cho 50 hộ dân làng Kon Pơ Dram trồng 50 ha. Năm 2018, diện tích rừng trồng trên địa bàn xã tiếp tục tăng thêm 156 ha của 255 hộ; năm 2019 là 185 ha của 150 hộ. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích trồng rừng trên địa bàn xã đã hơn 564 ha với 684 hộ tham gia, trong đó có những hộ đăng ký trồng rừng liên tục trong 3 năm liền.
Cán bộ xã Hà Đông tập kết cây giống chuẩn bị cấp phát cho người dân. Ảnh: M.N |
Bên cạnh việc tập trung huy động và lồng ghép các nguồn lực mở rộng diện tích rừng trồng, xã Hà Đông còn khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết cùng người dân trồng rừng. Vì vậy, những năm gần đây, phong trào trồng rừng kinh tế trên địa bàn xã lan tỏa mạnh mẽ, trung bình cứ 2 hộ thì có 1 hộ tham gia. Ông Săp (làng Kon Mahar) cho biết: Năm 2018, được xã vận động, ông trồng keo lai trên diện tích 5 sào trên phần đất trồng mì bạc màu, cho hiệu quả kinh tế thấp; được hỗ trợ cây giống và một phần chi phí hỗ trợ ban đầu theo chính sách khuyến khích phát triển rừng. Ngoài ra, ông cũng đứng ra vận động 50 hộ dân trong làng tham gia liên kết với doanh nghiệp trồng 100 ha keo lai trên phần đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa quản lý. Giống như ông Sắp, từ năm 2017-2018, vợ chồng anh Xin (làng Kon Sơ Nglôk) cũng trồng hơn 3 ha keo lai. Nhờ chăm chỉ bỏ công chăm sóc, hàng ngàn cây keo sinh trưởng tốt. Trong đó, phần diện tích 1,5 ha trồng năm 2017 dự kiến cuối năm 2021 sẽ cho thu hoạch.
Đặc biệt, Công ty cổ phần Xã hội Hoàng Kim Tây Nguyên (TP. Pleiku) đã liên kết với 15 hộ dân làng Kon Pơ Dram trồng 50 ha keo lai; Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Gia Long 1 liên kết với 50 hộ dân làng Kon Mahar trồng 100 ha keo lai. Ông Nguyễn Văn Tư-Giám đốc Công ty-cho biết: Trong quá trình liên kết với 50 hộ dân làng Kon Mahar trồng 100 ha keo lai, Công ty hỗ trợ cây giống, tiền thuê nhân công chăm sóc. Đến thời điểm thu hoạch thì tùy theo giá cả thị trường để thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận, đảm bảo thu nhập cho người dân.
Người dân tận dụng đất nương rẫy cũ, đất trống, đất mì bạc màu để trồng rừng. Ảnh: M.N |
Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông cho rằng, việc doanh nghiệp liên kết với người dân trồng rừng đã giải quyết được bài toán về vốn đầu tư hạn hẹp của địa phương và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương gián tiếp giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định đời sống trong thời kỳ diện tích rừng trồng chưa cho khai thác. Việc liên kết trồng rừng với doanh nghiệp còn đảm bảo đầu ra bền vững, giảm hẳn hình thức du canh, bỏ đất trống. Tuy chỉ mới bước đầu triển khai nhưng người dân tích cực hưởng ứng, số hộ dân tự trồng và liên kết với doanh nghiệp trồng rừng ngày một tăng thêm. Khoảng 4-5 năm tới, khi diện tích rừng trồng cho thu hoạch thì sẽ giúp người dân Hà Đông thoát nghèo bền vững.
“Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ thôn, làng ra nghị quyết lãnh đạo, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương trồng rừng kinh tế của xã. Chỉ tiêu dự kiến của Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ 2020-2025 là mỗi năm trồng 50 ha rừng. Đến thời điểm này, xã đã vận động được 66 hộ dân đăng ký trồng rừng với diện tích 62 ha. Bên cạnh đó, xã tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng rừng. Do đó, nhiệm vụ này của năm 2020 chắc chắn hoàn thành và thực tế những năm qua luôn vượt chỉ tiêu đề ra”-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông khẳng định.
MINH NGUYỄN