Kinh tế

Nông nghiệp

Người dân Ia Rong xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xã Ia Rong (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập trung phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
Nhờ áp dụng những kiến thức học được từ các lớp tập huấn kỹ thuật nên năng suất, sản lượng cà phê của gia đình anh Siu Blel năm nay dự kiến tăng nhiều so với trước. Ảnh: Q.T

Nhờ áp dụng những kiến thức học được từ các lớp tập huấn kỹ thuật nên năng suất, sản lượng cà phê của gia đình anh Siu Blel năm nay dự kiến tăng nhiều so với trước. Ảnh: Q.T

Theo ông Trương Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rong, thời gian qua, cả hệ thống chính trị xã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhằm khơi dậy ý chí quyết tâm thoát nghèo, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, xã tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm để người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập ổn định; đồng thời, khuyến khích, động viên hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Siu H'Huế (làng Tao Klah) từ TP. Hồ Chí Minh về thăm con. Sau gần 3 năm đi làm ăn xa, vợ chồng chị tích góp mua được 6 sào đất, vay thêm vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để xây dựng căn nhà khang trang. Chị H'Huế chia sẻ: “Bố mẹ khó khăn nên khi ra ở riêng, vợ chồng mình chỉ có 5 sào đất sản xuất. Cả hai cũng chịu khó đi làm thuê nhưng công việc bấp bênh nên cuộc sống vẫn rất khó khăn, thường xuyên thiếu ăn lúc giáp hạt. Được cán bộ xã và thôn xuống tận nhà vận động, vợ chồng mình quyết định gửi con nhờ bà ngoại chăm sóc để vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Tuy mức sống trong đó khá cao nhưng bù lại vợ chồng mình có việc làm ổn định. Bình quân mỗi tháng sau khi trừ phí sinh hoạt, gia đình mình tiết kiệm được hơn 15 triệu đồng. Số tiền này đã giúp mình nuôi 2 con ăn học, mua thêm đất sản xuất”. Hiện tại, vợ chồng chị H'Huế vẫn quyết bám trụ làm công nhân để có tiền trả nợ ngân hàng và tích lũy thêm vốn, sau này về quê phát triển sản xuất.

Còn gia đình anh Siu Blel (cùng làng) sau khi được tuyên truyền, vận động cũng đã mạnh dạn vay 60 triệu đồng vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển chăn nuôi. “Mình dự tính dùng toàn bộ vốn vay và số tiền tích góp từ việc đi làm thuê để mua bò, dê về nuôi. Mình đang làm chuồng, trồng cỏ và tìm nguồn giống bò, dê chất lượng để mua. Ngoài ra, nhờ áp dụng những kiến thức học được từ các lớp tập huấn về nông nghiệp, 6 sào cà phê của gia đình phát triển khá tốt, dự kiến năm nay thu được gần 2 tấn nhân. Với giá hiện tại gần 60 ngàn đồng/kg cà phê nhân, vợ chồng mình sẽ có thêm một khoản để chi tiêu, tái đầu tư”-anh Blel phấn khởi nói.

Trồng dâu nuôi tằm cũng là hướng đi đem lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn xã. Ảnh: Q.T

Trồng dâu nuôi tằm cũng là hướng đi đem lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn xã. Ảnh: Q.T

Ông Siu Phit-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tao Klah-cho hay: “Hầu hết người dân trong làng đã thay đổi nhận thức, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Họ đã biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, không rượu chè… nên đời sống từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đến nay, làng còn 31 hộ nghèo (chiếm 10,29%) và 23 hộ cận nghèo (chiếm 7,64%). Làng cũng đang phấn đấu về đích làng nông thôn mới vào cuối năm 2023”.

Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,68% (giảm 3,7% so với năm 2022) và từng bước xóa hộ nghèo trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rong nêu giải pháp: “Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, xã cũng đặc biệt khuyến khích, nêu gương những gương điển hình về giảm nghèo để nhân rộng, lan tỏa. Đặc biệt, xã tiếp tục tuyên truyền giúp người nghèo nâng cao nhận thức, ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, tập trung hướng dẫn người dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng phát triển các cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững”.

Có thể bạn quan tâm