Kinh tế

Nông nghiệp

Người dân Ia Vê thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với việc tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân ở xã Ia Vê (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Xã Ia Vê hiện có 3.153 ha cây trồng, trong đó có 2.978 ha cây công nghiệp dài ngày, 175 ha cây công nghiệp ngắn ngày và cây lương thực. Bên cạnh đó, người dân còn chăn nuôi trên 5.300 con gia súc, gia cầm.

Nhờ tham gia mô hình sản xuất lúa vụ mùa, người dân xã Ia Vê đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.H

Nhờ tham gia mô hình sản xuất lúa vụ mùa, người dân xã Ia Vê đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.H

Gia đình bà Rơ Lan Anur (làng O Ngol) có 1,5 sào lúa nước. Trước đây, bà chỉ gieo sạ vụ Đông Xuân, còn vụ mùa vẫn canh tác theo hình thức chọc trỉa nên năng suất thấp. Sau khi tham gia mô hình “Sản xuất lúa vụ mùa theo quy trình làm đất-gieo sạ-sử dụng giống lúa ngắn ngày chất lượng cao” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, gia đình bà Anur chăm sóc cây trồng tốt hơn, năng suất đạt cao hơn.

“Tôi đã học hỏi được kỹ thuật nên chăm sóc lúa tốt hơn, nhất là biết cách làm đất, gieo sạ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất đạt hơn 7 tạ/1,5 sào, cao hơn 5 tạ so với vụ mùa trước đây. Từ đó đến nay, kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định”-bà Anur nói.

Tương tự, 3 năm nay, gia đình ông Kêr (cùng làng) không chỉ đảm bảo được lương thực cho gia đình mà còn dư thóc để bán từ việc canh tác 3 sào lúa nước. Ông Kêr cho biết: Trước đây, ông canh tác lúa theo lối chọc trỉa nên mỗi vụ chỉ thu được 1-1,5 tạ/sào. Từ khi sử dụng giống lúa mới và áp dụng kỹ thuật, năng suất lúa đạt 5-6 tạ/sào.

Ngoài trồng lúa, ông còn áp dụng kỹ thuật học được từ các buổi tập huấn vào chăm sóc 5 sào cà phê nên vườn cây phát triển tốt, sản lượng đạt hơn 2 tấn nhân. Năm 2023, gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Gur-Tổ trưởng Tổ liên kết chăn nuôi dê xã Ia Vê-cho đàn dê ăn. Ảnh: N.H

Anh Gur-Tổ trưởng Tổ liên kết chăn nuôi dê xã Ia Vê-cho đàn dê ăn. Ảnh: N.H

Ông Siu Huỳnh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn O Ngol-cho hay: Những năm gần đây, huyện và xã thường xuyên quan tâm tổ chức các buổi tập huấn, triển khai các mô hình sản xuất nên trình độ sản xuất của người dân được nâng lên. Nhờ đó, cây trồng được chăm sóc tốt, năng suất tăng cao, đời sống dần ổn định. Năm nay, dân làng canh tác 58 ha lúa nước, 57 ha cà phê, 10 ha cao su và 5 ha điều.

Không chỉ thay đổi cách thức sản xuất, người dân ở xã Ia Vê còn tích cực chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.

Anh Rơ Lan Gur-Tổ trưởng Tổ liên kết chăn nuôi dê xã Ia Vê-thông tin: “Tổ liên kết có 20 hộ chăn nuôi dê. Mặc dù giá dê những năm gần đây giảm nhưng nhiều hộ vẫn có lãi vì biết cách chăm sóc, dê ít bị bệnh và chi phí đầu tư thấp. Ngoài chăn nuôi heo, hàng năm, gia đình tôi duy trì đàn dê hơn 20 con. Nhờ đa dạng các vật nuôi, cây trồng mà tôi đã xây được căn nhà khang trang, rộng rãi”.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Quang Tuyến-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Vê-cho biết: “Năm 2023, toàn xã có 71 hộ thoát nghèo, góp phần giảm số hộ nghèo toàn xã xuống còn 347 hộ (chiếm 18,39%), số hộ cận nghèo giảm còn 376 hộ.

Toàn xã có 210 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Người dân còn đóng góp trên 250 triệu đồng để làm đường giao thông, giúp đỡ hộ nghèo về vốn, giống, kỹ thuật trị giá hàng trăm triệu đồng. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 45 triệu đồng”.

Có thể bạn quan tâm