Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Người dân không được cấp sổ hồng vì dự án bị thế chấp tại ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều dự án nhà ở thương mại đăng ký thế chấp với thời gian dài, nhưng chưa thực hiện thủ tục xoá đăng ký thế chấp, làm ảnh hưởng đến việc người mua nhà không được cấp sổ hồng.
Dự án chung cư Bảy Hiền ở quận Tân Bình (TP HCM) bị thế chấp từ năm 2008. Ảnh: Bảo Chương
Dự án chung cư Bảy Hiền ở quận Tân Bình (TP HCM) bị thế chấp từ năm 2008. Ảnh: Bảo Chương

Theo phản ánh của cư dân chung cư Dreamhome Luxury (đường số 59, phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM), vào năm 2015, khi nhận bàn giao căn hộ tại dự án chung cư này, Công ty CP Nhà Mơ cam kết sẽ đảm bảo các quyền lợi cho cư dân, trong đó có việc 1-2 năm sau khi giao căn hộ sẽ bàn giao sổ hồng. Tuy nhiên, đã 8 năm trôi qua, hơn 500 hộ dân sinh sống nơi đây vẫn chưa nhận được bất kỳ giấy tờ nào.

Nhiều hộ dân bức xúc nói rằng, do không có sổ hồng nên họ giống như ở thuê trên chính ngôi nhà của mình. Chủ nhân các căn hộ không nhập được hộ khẩu, dẫn đến việc học của con em bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, một số chủ căn hộ muốn làm thủ tục vay vốn ngân hàng cũng không được vì không thể xác minh tài sản để thế chấp…

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TPHCM. Báo cáo kết quả giám sát công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà của Hội đồng nhân dân TPHCM cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 60 dự án nhà ở mà chủ đầu tư thế chấp ngân hàng và chưa xoá chấp nên chưa được cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Trong đó, có 41/60 dự án chủ đầu tư thế chấp từ năm 2016 đến 2023, một số dự án đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho người mua nhà.

Cụ thể, chung cư Bảy Hiền (quận Tân Bình) thế chấp năm 2008; chung cư Minh Thành (Quận 7) thế chấp năm 2010; chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) thế chấp năm 2010; chung cư Tân Hồng Ngọc (quận Tân Phú) thế chấp năm 2010; chung cư Khang Gia (quận Tân Phú) thế chấp năm 2011; chung cư Avila (Quận 8) thế chấp năm 2016...

Luật sư Nguyễn Thanh Nhã (Văn phòng luật DBS) cho hay, khi chủ đầu tư đã chọn phương thức bán tài sản hình thành trong tương lai, thông qua bảo lãnh của ngân hàng và được Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản, thì việc mang dự án, căn hộ hình thành trong tương lai thế chấp ngân hàng vay vốn thêm một lần nữa là vi phạm pháp luật. Vì lúc này, tài sản hình thành trong tương lai không thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư, mà còn có quyền sở hữu của khách hàng, thể hiện bằng hợp đồng mua bán căn hộ.

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, liên quan đến vấn đề dự án bị thế chấp, đã có quy định rất cụ thể, trước khi chủ đầu tư dự án ký hợp đồng mua bán phải giải chấp tài sản thế chấp hoặc phải có thoả thuận giữa bên thế chấp, chủ đầu tư, người mua nhà nên trong công văn thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án thế chấp luôn có câu dự án đã được thế chấp, trong trường hợp này các ngân hàng đều có công văn đồng ý cho phép chủ đầu tư mở bán. Nếu chủ đầu tư cố tình chưa giải chấp mà ký hợp đồng với người mua nhà là lừa gạt. Tuy nhiên, vụ việc này xảy ra rất nhiều, thậm chí có trường hợp chủ đầu tư khi Sở Xây dựng đồng ý cho bán thì mới đem đi thế chấp, thế chấp cả nhà ở hình thành trong tương lai.

Để bảo đảm quyền lợi cho người dân ở các dự án bị thế chấp, giải pháp được lãnh đạo UBND TP đưa ra đó là sẽ cố gắng minh bạch thông tin tối đa để người dân biết, đồng thời tăng cường xử lý vi phạm. UBND TP sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng làm việc với các ngân hàng, nắm lại các danh sách thế chấp, giải chấp để giải quyết vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.

Có thể bạn quan tâm