Đô thị

Không gian sống

Người đàn ông hơn 15 năm tái chế chai lọ làm nội thất gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giường, đèn ngủ, bàn ghế, đồng hồ… được ông Đinh Nguyên Bình (TP HCM) tái chế từ gần 10.000 chai thủy tinh nhiều màu sắc, kích cỡ.
 
Với niềm đam mê nghệ thuật, hơn 15 năm qua, ông Đinh Nguyên Bình (50 tuổi, ở quận Tân Phú, TP HCM) sưu tầm và tái chế vỏ chai thủy tinh, nắp nhựa thành những vật dụng quen thuộc trong gia đình.
"Ngôi nhà cho lại" là tên nói lái được vợ chồng ông Bình hóm hỉnh đặt, bởi hầu hết nội thất trong căn nhà đều làm bằng chai lọ.
 

"Từ thời trẻ tôi có sở thích sưu tầm các chai rượu mẫu. Lúc đầu cũng chưa có ý tưởng làm đồ nội thất bằng chai lọ đâu, chỉ thấy bạn bè hay vứt những chai thủy tinh nên tôi xin về rồi để ở nhà. Lúc rảnh rỗi thì thử làm những đồ vật nhỏ như ly nước, gạt tàn thuốc lá… rồi đam mê tái chế lúc nào không hay", ông Bình kể.

Ông cho biết, hiện trong nhà chứa khoảng 10.000 chai thủy tinh với đủ kích cỡ, màu sắc và xuất xứ.
 
Vốn là chủ kinh doanh đồ cơ khí, ông Bình tận dụng các loại máy móc tại nhà để tái chế những chai thủy tinh thành vật dụng trong gia đình.
"Thông thường để làm ra sản phẩm sản phẩm tái chế từ chai lọ phải mất rất nhiều thời gian, có khi vài năm để hoàn thiện. Khó nhất là khâu lên ý tưởng, sau đó sưu tầm các loại chai đồng dạng, sơn rửa rồi gia công sản phẩm", ông nói.
 
Những chiếc chai thủy tinh được ông tái chế thành con chuồn chuồn, bình hoa trưng bày tại nhà. Ông cho biết, toàn bộ ý tưởng về đồ vật tái chế đều xuất phát từ tình yêu dành cho gia đình.
 
Góc bếp xinh xắn của gia đình ông Bình với kệ thực đơn hàng ngày làm từ những vỏ chai rượu và nắp nhựa.
 
Tất cả các phòng trong căn nhà ba tầng gia đình ông đều chứa các đồ dùng tái chế. Tại tầng hai, ông thiết kế một quầy bar nhỏ cùng bộ bàn ghế và dàn đèn chiếu sáng bằng các loại vỏ chai thủy tinh.
 
"Chiếc giường này là một trong những sản phẩm tôi ưng ý nhất vì nó nặng hơn 100 kg, được kết từ hơn 200 vỏ chai. Tôi làm nó nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày cưới của hai vợ chồng", ông chia sẻ.
 
Chiếc đèn chùm được gắn những vỏ chai thủy tinh màu cam để tạo hiệu ứng bắt mắt. Ông Bình cho biết, để làm các vật dụng trong gia đình, ông thường chọn các loại chai dày, bền để đảm bảo độ an toàn.
 
Tại phòng khách, ông trưng bày bức tranh chủ đề gia đình được kết từ hơn 3.000 nắp chai nhựa. 
"Tôi vẫn thường nói với con cái là phải luôn tiết kiệm và có ý thức bảo vệ môi trường, thế nên nếu tận dụng được gì thì cứ tận dụng tối đa", ông giãi bày.
 
Mô hình "cây gia đình" được làm từ hàng nghìn nắp nhựa tạo nên điểm nhấn cho lối cầu thang.
"Mới đầu, tôi cũng hay cằn nhằn vì nhà cửa lúc nào cũng bừa bộn chai thủy tinh, nắp nhựa, nhưng rồi thấy chồng đam mê tái chế, tôi hoàn toàn ủng hộ", vợ ông chia sẻ.
 
Những lúc rảnh rỗi, ông Bình còn tái chế những tuýp sắt, vòi nước thành những món đồ sinh động.
 
Ông Bình chia sẻ thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục sưu tầm và tái chế nhiều sản phẩm mới từ vỏ chai thủy tinh, nắp nhựa và đồ kim loại.
"Tất cả sản phẩm tái chế trong nhà tôi đều không bán, thi thoảng chỉ cho mượn đi trưng bày ở các sự kiện. Tôi nghĩ những thứ mình đang làm, đơn thuần là đam mê thôi", ông chia sẻ.
Thành Nguyễn (Vnexpress)

Có thể bạn quan tâm