Nếu người lao động đồng ý thì người sử dụng huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và một năm có thể không quá 400 giờ.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị các bước để sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành theo chỉ đạo của Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào năm tới.
Trong đó, giờ làm thêm là một trong những nội dung sẽ được đưa ra lấy ý kiến, xem xét sửa đổi lần này. Bởi theo các doanh nghiệp, việc quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt theo luật hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…
Vấn đề này, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết: “Nhiều diễn đàn doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp qua cuộc đối thoại hàng năm đều có kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội về tăng thời gian làm thêm giờ, thì lần soạn thảo này Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp tục trình Chính phủ tăng giới hạn làm thêm giờ.
Việc tăng như thế nào là do hai bên tự thỏa thuận và quyết định với nhau. Dự kiến Dự thảo luật chỉ quy định khống chế việc làm thêm giờ. Nếu người lao động đồng ý thì người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và một năm có thể không quá 400 giờ”.
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, tại Điểm b, khoản 2, Điều 106 quy định số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày.
Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm.
Nam Hà (VOV1)