(GLO)- Lời Tòa soạn: “Bảo hiểm xã hội-điểm tựa của bạn và gia đình” là chủ đề truyền thông chính trong tháng 5-Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân năm nay. Nhân dịp này, phóng viên Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Lực-Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.
*P.V: Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ tập trung các hoạt động gì trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân năm nay, thưa ông?
Ông Trần Văn Lực. Ảnh: Như Nguyện |
Chúng tôi phấn đấu trong ngày ra quân có khoảng 350 người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh, huyện tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động, hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến với người dân trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân nắm bắt chính sách và tự nguyện tham gia. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
* P.V: Thực tế hiện nay, người dân vẫn chưa quan tâm tham gia BHXH tự nguyện. Vậy, ngành sẽ triển khai các giải pháp nào để vận động người dân tham gia, thưa ông?
- Ông TRẦN VĂN LỰC: Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền chính sách đến với người dân để họ hiểu nhiều hơn nữa, đặc biệt là các lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện hướng tới đảm bảo an sinh cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra, ngành sẽ tuyên truyền bằng nhiều hình thức như truyền thông qua các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương, qua Cổng thông tin điện tử của ngành BHXH, các trang mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh cơ sở… Phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng tổ dân phố, thôn, làng để đảm bảo người dân được tiếp cận chính sách.
Ngoài ra, chúng tôi cung cấp danh sách đối tượng tiềm năng cho các xã, phường, đại lý thu, Bưu điện để phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đồng thời tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT xã, phường đảm bảo hoạt động hiệu quả, phát huy cánh tay nối dài của ngành BHXH. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông trực quan qua hệ thống pa nô, áp phích, các sản phẩm truyền thông chính sách đến với mọi người dân. Tiếp tục tham mưu và phát huy vai trò tích cực, sự chung tay vào cuộc của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp.
Ngành BHXH tăng cường tuyên truyền các chính sách BHXH, BHYT đến người dân. Ảnh: Như Nguyện |
* P.V: Hiện nay, nhiều lao động rút BHXH một lần. Việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với người lao động và ông có khuyến cáo gì?
- Ông TRẦN VĂN LỰC: Trong 4 tháng đầu năm, Gia Lai có 2.176 người lao động đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần với tổng số tiền trên 66 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Việc rút BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi cho người lao động, cụ thể: Số tiền BHXH nhận được ít hơn nhiều so với số tiền đóng, không được cộng nối thời gian tham gia BHXH. Vì đã nhận BHXH một lần, thời gian tham gia BHXH sau này sẽ được tính mới. Từ đó có thể dẫn tới việc người lao động sẽ không đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đã hết tuổi lao động hoặc nếu đủ thì tiền lương hưu khi về già cũng rất thấp. Ngoài ra, không được cấp thẻ BHYT miễn phí, phải tự chi trả chi phí khám-chữa bệnh khi về già; thân nhân không được nhận chế độ mai táng phí và trợ cấp tuất khi chẳng may người lao động qua đời. Do đó, việc nhận BHXH một lần ảnh hưởng rất lớn đến chế độ hưu trí, tử tuất và khám-chữa bệnh của người lao động.
Với nhiều thiệt thòi nêu trên, người lao động không nên lựa chọn nhận BHXH một lần. Tại thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký để nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ và tiếp tục tìm kiếm việc làm cũng như tham gia BHXH để đảm bảo cho an sinh lâu dài của bản thân, gia đình và xã hội.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
NHƯ NGUYỆN (thực hiện)