Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Người mẹ chôn con mới sinh ở Bình Thuận đối diện với tội danh gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Việc đứa trẻ được người khác cứu sống là nằm ngoài mục đích ban đầu của người mẹ. Do vậy, người mẹ có thể bị truy cứu với tội danh giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ”.

Bà K và chiếc giường nơi đặt bé trai sau khi được sinh ra - Ảnh: Vietnamnet
Bà K và chiếc giường nơi đặt bé trai sau khi được sinh ra - Ảnh: Vietnamnet



Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Doãn Hùng-Đoàn luật sư TP Hà Nội về vụ việc mẹ chôn con mới sinh ở Bình Thuận.

Theo đó, ngày 25.5 vừa qua, sau khi sinh hạ bé trai, vì sợ chồng và gia đình biết nên chị T.T.A.K. (40 tuổi), nghi là người mẹ, đã sinh ra bé trai rồi đem chôn sống con mình tại vườn tràm ở xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân).   

Dù trong trường hợp này, cháu bé đã được người dân kịp thời phát hiện và cứu sống, nhưng theo quan điểm của luật sư Nguyễn Doãn Hùng, người mẹ có hành vi “chôn sống” con tức là có ý muốn tước đoạt mạng sống của đứa trẻ, cố ý muốn đứa trẻ chết, còn việc đứa trẻ được người khác cứu sống là nằm ngoài mục đích ban đầu của người mẹ. Do vậy, người mẹ có thể bị truy cứu với tội danh giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo khoản 1 Điều 124 BLHS 2015. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố mà tòa án có thể xem xét mức hình phạt dựa vào mức độ nguy hiểm của hành vi hay hoàn cảnh khách quan dẫn đến hành vi phạm tội để quyết định.

Cũng theo luật sư Hùng, quyền sống là một trong những quyền cơ bản của con người nói chung và trẻ em nói riêng. Điều này đã được quy định trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Tại Điều 12 Luật Trẻ em Việt Nam hiện hành quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.

“Chúng ta thường nghe “hổ dữ không ăn thịt con”, thế nhưng người mẹ trong trường hợp này lại có hành vi “chôn sống” con mới đẻ của mình. Đây là một hành vi đáng lên án và cần có biện pháp răn đe kịp thời bởi nó đã và đang xâm phạm đến quyền sống của trẻ em, đi ngược lại với đạo đức truyền thống của con người. Và trong một số trường hợp nhất định với hành vi “chôn sống” con mới đẻ người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Hùng nói.

Với hành vi “chôn sống” con, bà K đã xâm hại quyền sống của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em. Chính vì vậy, pháp luật hiện hành cũng đã có biệp pháp để hạn chế tình trạng này. Theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 114/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013  của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em bà K có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh.

Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015

“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.


Hạ Nhiên (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm