Thấu hiểu và trân trọng những giá trị tinh hoa của dân tộc, nhiều bạn trẻ dân tộc Ba Na ở thành phố Kon Tum đã tiếp nối và nâng tầm thổ cẩm thành những bộ trang phục mang dáng dấp hiện đại nhưng vẫn đậm nét truyền thống.
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ của làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất), dù là giữa trưa nắng nóng, tiệm nhỏ mang tên “Thổ cẩm KaThy” của chị Y Thưm (30 tuổi) lúc nào cũng nhộn nhàng người ra vào. Y Thưm không xuất thân từ gia đình truyền thống may mặc nhưng chị có tình yêu với bản sắc dân tộc và niềm đam mê với những họa tiết thổ cẩm của người Ba Na.
Chị Y Thưm cho biết, năm 2013, tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội (Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum) nhưng không tìm được việc làm phù hợp. Tình cờ lên mạng tìm việc làm và thấy nhiều người mặc đồ thổ cẩm, chị bắt đầu có suy nghĩ sẽ lưu giữ và biến thổ cẩm thành trang phục hợp thời. Nói là làm, chị Thưm khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh học may và thiết kế thời trang trong một năm rồi về quê mở tiệm.
“Trên chất liệu vải thổ cẩm truyền thống, tôi có thể sáng tạo thành nhiều kiểu váy, áo có dáng dấp hiện đại từ áo khoác, áo dài, váy liền thân. Song, đa phần khách hàng vẫn ưa chuộng kiểu váy quấn truyền thống. Chân váy công sở, váy cưới cũng được ưa chuộng với đường hoa văn màu sắc tạo điểm nhấn đẹp mắt”- chị Thưm chia sẻ.
Một bộ đồ thổ cẩm ở tiệm của chị Thưm có giá từ 500.000 đồng trở lên. Ngoài may những bộ trang phục từ vải dệt công nghiệp chị còn đầu tư không ít công sức để sưu tầm vải dệt thủ công chất lượng, hoa văn đẹp từ các dân tộc khác như Ja Rai, Ê Đê để thiết kế những bộ trang phục đẹp, hấp dẫn. Do đó, sau nhiều năm làm nghề, chị được nhiều người trong các làng đồng bào Ba Na biết đến và tin tưởng đặt may trang phục truyền thống.
Chị Y Thúy (35 tuổi, xã Đăk Rơ Wa)- khách hàng quen của chị Thưm cho biết: Tôi thấy nhiều người mặc đồ thổ cẩm rất đẹp, hỏi thì mới biết là đều do chị Y Thưm may, thiết kế nên tôi cũng tới tiệm để đặt 3-4 bộ cho gia đình. Từ đó tới giờ, tôi thành khách quen của tiệm Y Thưm.
Cũng có đam mê biến thổ cẩm thành những trang phục hiện đại, chị Y Dương (33 tuổi, thôn Plei Đôn, phường Quang Trung) cho hay, mẹ chị vốn là nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng trong làng. Ngoài ra, từ nhỏ chị thường thích vẽ, thiết kế trang phục và luôn đau đáu suy nghĩ hướng gìn giữ và làm giàu từ chính thổ cẩm của gia đình.
Chính vì thế, khi lớn lên chị đã xây dựng tiệm “thổ cẩm Y Dương” để gìn giữ và “thổi” vào đó sự khéo léo, biến tấm thổ cẩm thành những bộ trang phục đậm nét truyền thống nhưng vẫn mang dáng dấp hiện đại.
Ngay từ những buổi đầu, Y Dương đã đặt trọn tâm trí cho mỗi một chiếc váy liền thân. Chị đầu tư kỹ lưỡng từ việc chọn chất liệu thích hợp theo mùa, độ dài, rộng của áo sao cho tôn lên chiều cao của người mặc, đến sự kết hợp màu sắc của áo cũng được chị nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần.
Với mong muốn lưu giữ vẻ đẹp độc đáo, nghệ thuật gắn với bản sắc riêng biệt của núi rừng, Y Dương ngày đêm mày mò, thiết kế, thử nghiệm cho ra bộ sưu tập trang phục kết hợp với họa tiết thổ cẩm dựa trên tiêu chí chất liệu mềm, co giãn tốt, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc; đồng thời, kết hợp phụ kiện theo phong cách hiện đại, cách tân nhưng vẫn gắn với yếu tố truyền thống.
Chị Y Dương đo, may trang phục cho khách. Ảnh:N.S |
Hiện nay, cơ sở kinh doanh của chị Y Dương xuất bán mỗi tháng trên dưới 100 bộ thổ cẩm truyền thống và cách tân. Mỗi bộ có giá bán từ 800.000 đồng trở lên. Với chất liệu thổ cẩm dệt thủ công và may công nghiệp, sản phẩm của chị rất đa dạng, được đông đảo khách hàng yêu thích, tin tưởng mua và thuê mặc.
“Tiệm của tôi có hơn 10 thợ may cộng tác thường xuyên, có thợ chính tuổi nghề hơn 20 năm nên rất yên tâm. Đặc biệt, tôi và mẹ còn mở tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm, vì thế chất liệu vải được đảm bảo. Thu nhập bình quân của mỗi thợ từ 9-10 triệu đồng/tháng.”- chị Y Dương nói.
Cũng theo chị Y Dương, trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục tìm tòi, thiết kế ra nhiều bộ trang phục và sản phẩm được làm từ thổ cẩm hơn nữa, qua đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng và góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo Nay Săt (baokontum)