Thời sự - Bình luận

Người trẻ & lòng yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trên chuyến xe chiều cuối năm từ Hà Nội về Hải Phòng, khi nhà xe chuyển sang phát VCD Còn thương rau đắng mọc sau hè, tự dưng tôi chảy nước mắt.

 Một thí sinh ôm lấy mẹ và em gái sau khi kết thúc môn ngữ văn (ảnh chụp tại điểm thi THPT Chu Văn An, Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một thí sinh ôm lấy mẹ và em gái sau khi kết thúc môn ngữ văn (ảnh chụp tại điểm thi THPT Chu Văn An, Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH


Xung quanh, tiếng sụt sùi mỗi lúc một nhiều thêm, tôi nhìn sang ngang, có một anh thợ hồ lấy tay quệt nước mắt. Âm điệu của bài ca phương Nam ngọt ngào, buồn thương da diết đã khiến những sợi dây đàn trong tâm hồn mỗi người phương Bắc rung ngân.

Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy. Khoảnh khắc bất giác tôi cảm thấy yêu thương tất cả những con người xa lạ ngồi cùng chuyến xe với mình. Tất cả chúng tôi đều là người Việt Nam tỏa đi bốn phương mưu sinh, chiều cuối năm tất bật quay trở về với gia đình.

Tôi nghĩ đời người sẽ có vô vàn những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng rất quan trọng như vậy, để ta thấy mình biết yêu thương những người xung quanh. Khi ta biết yêu thương đồng bào, yêu thương tất cả những điều nhỏ bé nhất ở quê hương, đất nước mình, lúc đó ta sẽ hiểu thế nào là tình yêu đất nước.

Đã có rất nhiều người bạn của tôi thú nhận, có một thời gian họ thấy ngường ngượng khi nói về lòng yêu nước. Cũng phải thôi, khi kinh tế - xã hội phát triển hơn, diễn ngôn vật chất lên ngôi, sẽ ngày càng ít người còn hồn nhiên và hào sảng khi viết ra được những dòng thơ như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong Đất Nước - trường ca Mặt đường khát vọng:

"Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra

Đất Nước"...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đề thi môn ngữ văn rơi vào bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. Trước khi biết được kết quả bài thi, thí sinh đã được chính nhà thơ chia sẻ ông đã viết nên bài thơ Đất Nước bằng sự hiểu biết của tuổi trẻ hồn nhiên, bằng sự liều lĩnh chỉ người trẻ mới có.

Những lời ông nói đã khiến rất nhiều người phải nghĩ suy: "Tình yêu đất nước là tất cả những gì rất đỗi giản dị, xung quanh ta. Và đất nước không thuộc về bất cứ một triều đại, một ông vua nào mà đất nước thuộc về nhân dân. Hãy để người trẻ hồn nhiên hiểu về đất nước như họ nghĩ. Khi họ được lựa chọn như vậy, họ sẽ có trách nhiệm về những điều họ nhận thức và suy nghĩ và có trách nhiệm lâu dài với đất nước của họ"...

Tôi tin lời nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Một nhà thơ đôi khi chính là một nhà triết học. Đất nước cần những con người trí tuệ, minh triết, là chỗ dựa tinh thần cho người trẻ, dẫn lối họ vững bước trưởng thành.

Theo NGỌC DIỆP (TTO)

Có thể bạn quan tâm