Người trẻ nhảy việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đầu tư vào con người và tạo môi trường làm việc dân chủ, sáng tạo là chìa khóa để giữ chân các nhân viên trẻ năng động, luôn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mới.

Môi trường làm việc năng động, thân thiện có thể ngăn người trẻ nhảy việc
Môi trường làm việc năng động, thân thiện có thể ngăn người trẻ nhảy việc


Nhiều cuộc khảo sát do các hãng danh tiếng thực hiện đều kết luận rằng giới trẻ thế hệ Y (ra đời trong giai đoạn đầu thập niên 1980-2000) có thể từ bỏ công việc hiện tại trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng. Trên các diễn đàn và mạng xã hội thường xuất hiện những đề tài như “Một năm 3 công ty” hay “Làm sao để nhảy việc thành công?”.

Tình trạng các bạn trẻ liên tục đổi nơi làm việc luôn là bài toán gây đau đầu cho phòng nhân sự các doanh nghiệp và có thể đẩy thanh niên vào tình trạng mất phương hướng nếu nhảy việc một cách tùy tiện theo cảm xúc nhất thời.

Xu hướng mới

Giới trẻ luôn trong tư thế sẵn sàng nhảy việc vì nhiều lý do như lương thấp, tự ái khi bị sếp phê bình, tìm thấy cơ hội tốt hơn…; nhưng điều quan trọng nhất là tìm công việc ổn định. Theo khảo sát mới đây của Hãng Qualtrics (Mỹ), 90% giới trẻ Mỹ sẵn sàng gắn bó với công ty trong vòng 10 năm nếu họ biết chắc sẽ được tăng lương hằng năm với quỹ đạo phát triển sự nghiệp theo chiều hướng đi lên. “Giới trẻ muốn sự nghiệp vững chắc hơn là tiền lương cao”, luật sư James Goodnow (35 tuổi), đồng tác giả quyển sách Motivating Millennials (tạm dịch: Thúc đẩy giới trẻ), nhận định với Đài CNBC.

Đáng chú ý, cuộc khảo sát 8.000 người trẻ ở 30 quốc gia trên thế giới của Hãng tư vấn Deloitte cho thấy xu hướng nhảy việc đang giảm với những người sinh trong giai đoạn đầu của thế hệ Y. Theo đó, 38% người trẻ có kế hoạch nhảy việc trong vòng 2 năm tới, so với năm 2016 là 44%, trong khi 31% muốn tiếp tục làm việc trên 5 năm, tăng so với năm ngoái là 27%.

Đáng chú ý, chỉ có 7% thanh niên muốn sớm nghỉ làm để tìm công việc mới, so với 17% trong năm 2016. Phần lớn những người này đang tiến đến gần hoặc quá tuổi kết hôn bình quân nên họ hướng đến có chỗ làm ổn định để sinh con, mua nhà và lập kế hoạch nghỉ hưu. Giới phân tích cho rằng đây là điều các doanh nghiệp cần chú ý để có thể giữ nhân viên.

Hiến kế giữ chân người trẻ

Đầu tư vào nhân viên trẻ trong 90 ngày đầu tiên của họ tại công ty là chìa khóa để giữ chân người tài. “Người trẻ muốn làm việc tại một nơi họ làm chủ quỹ đạo phát triển sự nghiệp”, ông Mike Maughan, đại diện của Qualtrics, nhận định. Theo ông, giới trẻ thật sự kỳ vọng tìm được công việc ổn định lâu dài với triển vọng thăng tiến sáng sủa. “Họ không cần sớm trở thành tổng giám đốc nhưng muốn được đối xử như một thành tố không thể thiếu, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp”, chuyên gia này cho biết.

Mặt khác, theo khảo sát của Qualtrics và Deloitte, đa số người trẻ từ bỏ công việc tại tập đoàn, công ty lớn và gắn bó hơn với doanh nghiệp nhỏ. Giám đốc Tim Minerd (31 tuổi) của Oasis, công ty start-up cung cấp dịch vụ thuê nhà nghỉ dưỡng, cho rằng ý kiến đóng góp của người trẻ thường không được lắng nghe ở tập đoàn lớn. Ngược lại, tại những công ty nhỏ, nhân viên có cơ hội thảo luận trực tiếp với lãnh đạo, từ đó giúp họ có cảm giác được trân trọng.


Nắm bắt xu hướng nhảy việc, một số tập đoàn lớn trên thế giới đã áp dụng mô hình chia nhỏ thành nhiều đơn vị theo kiểu làm việc nhóm độc lập và giữ chân được nhiều nhân viên trẻ, theo CNBC. Chẳng hạn, Tập đoàn tài chính Prudential (Anh) thành lập Life Technology Experimental Lab (eLab) nhằm nghiên cứu công nghệ nhắm vào đối tượng khách hàng mua bảo hiểm trẻ. “Công ty luôn sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp. Tôi có thể chia sẻ ý tưởng và cảm thấy mình được tôn trọng”, cô Sahab Aslam đang làm việc tại eLab cho biết. Trong khi đó, tại Ernst & Young, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, thanh niên chiếm gần 75% đội ngũ nhân sự. Ernst & Young cố gắng tạo điều kiện cho nhân viên trẻ trực tiếp phục vụ khách hàng càng sớm càng tốt. Điều này giúp họ cảm thấy mình có đóng góp cụ thể cho sự phát triển của công ty. “Mục tiêu của chúng tôi là không chôn chân người trẻ trong phòng làm việc mà sớm tạo cơ hội cho họ thể hiện năng lực”, ông Dan Black, giám đốc nhân sự tại Mỹ của Ernst & Young, chia sẻ.

Theo Thanhnien

Theo Bloomberg, giới trẻ VN và châu Á cũng có xu hướng liên tục nhảy việc do có nhiều lựa chọn trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế liên tục gia tăng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu với bài toán giữ chân nhân viên.

Anh Mai Ngọc Nhân (25 tuổi), từng là lãnh đạo thanh niên chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản 2015 (SSEAYP 2015), cho biết: “Tôi nghĩ rằng giới trẻ nhảy việc chủ yếu là do môi trường làm việc không phù hợp, không đủ năng lực hoặc có chỗ tốt hơn. Lương bổng chưa chắc là thứ duy nhất khiến họ từ bỏ chỗ làm hiện tại. Tất nhiên không ai muốn chạy hết chỗ này đến chỗ kia nếu mọi thứ ổn định”. Sau một thời gian du học, Nhân về nước vào năm 2015 và làm việc cho Tập đoàn Unilever tại bộ phận marketing, một trong những lĩnh vực có tỷ lệ nhảy việc cao nhất.

Có thể bạn quan tâm