Phóng sự - Ký sự

Người Việt ở Ratanakiri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Phạm Văn Ninh-Tỉnh hội trưởng Hội người Việt tại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) cho biết:  Tỉnh Ratanakiri hiện có khoảng 300 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu đang sinh sống. Trong đó, khoảng 40% hộ khó khăn, 60% con em chưa được đi học vì không đủ điều kiện kinh tế và không có giấy tờ tùy thân...

Mưu sinh nơi đất khách

Tỉnh Ratanakiri nằm ở vùng Đông Bắc Campuchia và cũng là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển chậm, cuộc sống của người dân còn nghèo.

Ông Phạm Văn Ninh tâm sự: Bà con người Việt ở đây rất khổ, chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ, thợ hồ, thợ mộc, làm thuê... Nhà cửa đa phần là thuê, mà là ở thuê thì không đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí theo quy định của nước bạn nên không được nhập tịch và vì thế quyền lợi cũng ảnh hưởng rất nhiều, trong đó việc cho con đến trường là điều không thể.

Hơn 30 năm sinh sống trên đất Chùa Tháp, chị Huỳnh Thị Hường là một trong số ít người Việt có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân. Tuy vậy, để có được cuộc sống tương đối đầy đủ như hôm nay, chị cũng trải qua những năm tháng cực khổ mưu sinh với rất nhiều ngành nghề khác nhau. Nhớ lại những ngày còn cơ cực, chị nói: "Tôi sống ở Ban Lung từ nhỏ, thời gian ấy làm đủ thứ nghề từ buôn bán nhỏ, làm thuê... Sau thời gian dài, tôi tích cóp được ít vốn nên ổn định kinh doanh từ đó ngày càng phát triển và có được cơ ngơi như hiện nay. Do đó, mình và những người Việt có cuộc sống tốt hơn cố gắng hỗ trợ được thứ gì hay thứ ấy đối với bà con cùng quê hương".

Trong khí đó, chị Hà Thị Thanh thì chia sẻ: "Chồng tôi làm ăn sinh sống ở đây đã lâu, tôi mới qua đây được 4 năm. Hiện tôi chỉ ở nhà trông nom con cái, còn thu nhập thì dựa vào chồng đang làm nghề xây dựng. Xứ lạ nên gặp muôn vàn khó khăn, thu nhập thì bấp bênh, công việc thì chưa có. Không chỉ cá nhân tôi mà nói chung cuộc sống của người Việt ở đây rất khó khăn".

Chị Nguyễn Thị Ca (quê ở Đồng Tháp) có đến 20 năm sinh sống ở Campuchia. Chồng chị đã chết để lại 6 người con nên cuộc sống gia đình rất cơ cực. Chị chia sẻ: "Các con tôi đã lớn tuổi và đều đi làm thuê ở các tỉnh lân cận. Tôi đang ở với đứa con út 13 tuổi. Công việc của 2 mẹ con hàng ngày là làm bánh cam bỏ sỉ ở chợ với thu nhập chừng 30 USD/tháng (Khoảng 600 ngàn đồng/tháng-NV). Cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng phải cố gắng vượt qua".

Đưa tiếng Việt đến với người Việt

 

Ảnh: Minh Thi

Với nhiều gia đình người Việt ở Ratanakiri, cái ăn còn khó nói chi đến việc học. Hơn nữa, ở nước bạn không có hộ tịch thì đừng nói đến chuyện đến trường. Nếu cha mẹ có quan hệ tốt thì con con cái cũng chỉ học đến đến lớp 2 là hết. Điều này không khó lý giải là vì sao đa phần người Việt được sinh ra và lớn lên ở đây đều mù chữ.

Hội người Việt tại tỉnh Ratanakiri được thành lập vào năm 2000. Đây là một tổ chức tự nguyện với mục đích hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho người Việt sinh sống ở đây. Và cũng chính từ khi thành lập Hội, một trang mới cho người Việt được mở ra.

Ông Phạm Văn Ninh cho biết: Sự quan tâm hàng đầu của Tỉnh hội là dạy tiếng Việt cho các cháu sinh ra và lớn lên ở đây. Biết được tiếng Việt, các cháu sẽ hiểu được nhiều hơn văn hóa của dân tộc mình, về cội nguồn dân tộc... Bằng sự nhiệt tình của Tỉnh hội, năm 2015, tỉnh Kon Tum đã cử một giáo viên Tiểu học qua đây dạy chữ cho các cháu trong vòng 3 năm.

Tại tỉnh Ratanakiri, trẻ em độ tuổi từ 5 tới 16 tuổi chiếm khoảng 20% tổng số người Việt. Tuy nhiên, số trẻ em được đến lớp học do Tỉnh hội tổ chức chỉ có 43 em, từ lớp 1 đến lớp 4. Các em học sinh ở đây được tổ chức học ghép ngày 2 buổi. 10 tuổi học lớp 1, 12 tuổi học lớp 2, 14 tuổi học lớp 3...

 

Vừa qua, đại diện Đoàn khối các cơ quan, Công an, Thư viện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã đến thăm và tặng 50 phần quà gồm cặp, sách lớp 1 và 2, dụng cụ học tập và trên 3.000 ấn phẩm các loại cho các em học sinh và người Việt sinh sống tại đây với tổng giá trị gần 100 triệu đồng.

Tâm sự về việc được cử qua Ratanakiri để hỗ trợ dạy chữ cho người Việt tại đây, thầy Nguyễn Văn Nuôi cho biết: Không ngờ người Việt mình ở đây lại khổ như thế này, tỷ lệ mù chữ lại cao. Ở độ tuổi ấy, các em học sinh ở Việt Nam đã học cấp 2 thì ở đây bắt đầu làm quen với con chữ, con số.

"Tuy vậy, khi bắt đầu vào học, các em rất chăm học và chịu khó. Phụ huynh dù nhà xa nơi học nhưng hàng ngày họ vẫn đạp xe chở con đi học xong mới đi làm. Do đó, tôi cố gắng hết sức để có thể truyền tải được hết kiến thức đến các em, để các em có nền tảng để học cao hơn nữa"- thầy Nuôi mong muốn.

Minh Thi

Có thể bạn quan tâm