Theo Sci-News, một nhóm khoa học gia đã sử dụng dữ liệu quang phổ từ kính viễn vọng không gian James Webb và xác nhận sự hiện diện của các phân tử hydroxyl trên bề mặt của tiểu hành tinh kim loại Psyche.
Và các khoáng chất ngậm nước này đã kể lại lịch sử phức tạp của vật thể.
Tiểu hành tinh Psyche nằm giữa vành đai tiểu hành tinh dày đặc - Ảnh: SwRI |
Psyche là một tiểu hành tinh kim loại có đường kính khoảng 226 km, nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.
Các nhà khoa học tin rằng vật thể này có thể rất giàu vàng, ngoài ra còn có bạch kim và một số kim loại đáng giá khác, khiến nó có giá trị gấp 70.000-75.000 lần nền kinh tế toàn cầu.
Tuy vậy cũng có người cho rằng nó chủ yếu giàu sắt và niken.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy nó không phải tiểu hành tinh bình thường, mà chính là phần lõi của một "hành tinh thứ 9" hay ít ra là một tiền hành tinh khi hệ Mặt Trời còn sơ khai, đã chết yểu trong quá trình hình thành.
Nhưng giờ đây, thứ khiến các nhà khoa học quan tâm là nguồn gốc của nó, thứ có thể giải thích tính giàu kim loại, bất kể đó có phải vàng hay không.
"Hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của hệ Mặt Trời gắn chặt với các diễn giải về thành phần tiểu hành tinh, đặc biệt là các tiểu hành tinh loại M có chứa nồng độ kim loại cao" - TS Stephanie Jarmak từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian (Mỹ) cho biết.
Dữ liệu mới chỉ ra hydroxyl và có lẽ là nước trên bề mặt Psyche. Các khoáng chất ngậm nước có thể là kết quả của các nguồn bên ngoài, bao gồm cả các tác nhân va chạm.
Nếu quá trình hydrat hóa này là tự nhiên hoặc nội sinh, thì Psyche có thể có lịch sử tiến hóa khác so với những gì các mô hình hiện tại gợi ý.
TS Anicia Arredondo, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Tây Nam (SwRI - Mỹ), cho biết các tiểu hành tinh vốn là những gì còn sót lại của quá trình hình thành hành tinh, do đó thành phần của chúng thay đổi tùy thuộc vào vị trí ra đời trong tinh vân Mặt Trời.
Sự tồn tại của khoáng chất ngậm nước trên bề mặt gợi ý Psyche có thể không phải lõi hành tinh thất bại, mà là một kẻ lang thang ngoài "đường tuyết" của hệ sao chúng ta đang trú ngụ.
Đó là nơi mà trong thuở sơ khai của Thái Dương hệ, nhiệt độ đĩa tiền hành tinh đủ thấp để các hợp chất dễ bay hơi ngưng tụ thành chất rắn, trước khi di chuyển đến vành đai chính.
Ngoài ra, sự không đồng nhất của quá trình hydrat hóa ở các nơi khác nhau trên bề mặt có thể được giải thích bằng tác động từ các tiểu hành tinh chondrite cacbon được cho là có hàm lượng nước rất cao.
Hiểu được vị trí của Pysche và các tiểu hành tinh khác, cũng như thành phần của chúng cho chúng ta biết cách các vật liệu trong tinh vân Mặt trời được phân bổ và tiến hóa như thế nào kể từ khi hình thành.
Điều này cũng giúp chúng ta hiểu hơn về cách nước được phân bố trong hệ Mặt Trời, từ đó suy ra sự phân bố nước ở các hành tinh khác.
Cách nước phân bố trong Hệ Mặt trời của chúng ta sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phân bố nước ở các hệ hành tinh khác, cũng là giúp định hướng các sứ mệnh tìm kiếm sự sống.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Planetary Science Journal.
Theo NLĐO