Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm và cúm trên người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trước tình hình dịch cúm trên gia cầm và cúm ở người diễn biến phức tạp trên thế giới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đầu năm 2017 và khuyến cáo về các biện pháp phòng-chống dịch. Theo đó, Cục Y tế dự phòng cho biết, thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tình hình dịch cúm A (H7N9) đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc.

 
Cán bộ thú y tiêm vaccine cho đàn gà để phòng chống dịch cúm A/H5N1.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin cho đàn gà để phòng chống dịch cúm A/H5N1.


Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2016 đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm A (H5N1) và A (H5N6) tại một số hộ gia đình và đã được xử lý triệt để, kịp thời nên không có hiện tượng lây lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy mầm bệnh cúm gia cầm cũng đã ghi nhận tại một số mẫu môi trường và gia cầm tại các chợ bán gia cầm sống nên có nguy cơ tiếp tục xảy ra ổ dịch mới trên gia cầm và có thể lây sang người nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng quyết liệt và triệt để.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội đầu năm 2017, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm