Nguyên nhân gây đổ mồ hôi quá mức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đổ mồ hôi là phản ứng bình thường của cơ thể khi nhiệt độ nóng quá. Tuy nhiên, đôi khi đổ mồ hôi quá nhiều có thể là kết quả của các vấn đề sức khỏe.
 

Đôi khi đổ mồ hôi quá nhiều có thể là kết quả của các vấn đề sức khỏe - Ảnh: Shutterstock


Theo Health24, một số thủ phạm sau có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tiết mồ hôi quá mức.

Cường giáp. Cường giáp là tình trạng có quá nhiều hóc môn tuyến giáp lưu thông trong cơ thể. Các triệu chứng của cường giáp thường biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn sau của bệnh. Theo các nhà khoa học, cường giáp làm tăng tốc quá trình hóa học của cơ thể, do đó dẫn đến hiện tượng đổ mồ hôi quá mức.

Ung thư. Một số loại ung thư (bạch cầu, ung thư xương, ung thư gan…) đôi khi có thể là nguyên nhân gây đổ mồ hôi. Mặc dù các nhà khoa học chưa hiểu rõ vì sao một số bệnh ung thư lại gây đổ mồ hôi, nhưng họ giả định, đó là cách cơ thể cố gắng để chống lại bệnh ung thư.

Một số loại thuốc. Không phải tất cả những người đang dùng thuốc điều trị đều bị đổ mồ hôi nhiều. Theo các chuyên gia y tế, các loại thuốc có thể gây đổ mồ hôi gồm thuốc tâm thần, một số loại thuốc chữa bệnh cao huyết áp, thuốc chữa khô miệng, một số loại kháng sinh.

Rối loạn đường huyết. Rối loạn kiểm soát đường huyết bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 là một trong những nguyên nhân gây đổ mồ hôi, khi nồng độ glucose trong máu hạ thấp.

Tắt kinh. Nhiều phụ nữ mãn kinh cho biết họ thường có triệu chứng bốc hỏa. 75% phụ nữ cho biết bị nóng bừng và đổ mồ hôi trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Ở một số phụ nữ, triệu chứng này có chiều hướng nghiêm trọng. Các bác sĩ phỏng đoán nóng bừng và đổ mồ hôi là do nồng độ estrogen biến động.

Vấn đề tinh thần. Rối loạn căng thẳng và lo lắng quá mức có thể gây mồ hôi nhiều. Sự lo lắng và căng thẳng có thể làm nhiệt độ cơ thể tăng lên, dẫn đến đổ mồ hôi. Một số loại thuốc điều trị căng thẳng cũng có liên quan đến tình trạng đổ mồ hôi quá mức.

Mai Thương (theo Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm