Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nguyên phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị bác kháng cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho rằng, cấp sơ thẩm truy tố, xét xử các bị cáo là có cơ sở, đúng pháp luật nên đại diện VKS đề nghị bác đơn kháng cáo của cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình và các đồng phạm.
Đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm 
Sau một ngày xét hỏi, ngày 6/12, phiên xét xử cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình và 4 đồng phạm bước vào phần tranh luận.
Trình bày quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Bình đã có bút phê trái với chỉ đạo của Thủ tướng, bị cáo không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu, không biết rõ năng lực tài chính của nhóm cổ đông mới. Đây chính là nguyên nhân đổ vỡ phương án tái cơ cấu ngân hàng, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh biến ngân hàng thành công cụ phạm tội.
Cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo là có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mức án mà cấp sơ thẩm tuyên đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
 
Bị cáo Đặng Thanh Bình
Đối với các bị cáo Hà Tấn Phước, Ngô Văn Thanh, Lê Văn Thanh và Phạm Thế Tuấn, quá trình thực hiện nhiệm vụ đã thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội, hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử các bị cáo là có sơ sở, đúng người đúng tội.
Vì vậy, VKS cho rằng mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là hoàn toàn tương xứng với hành vi phạm tội, không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Trong phần xét hỏi hôm qua, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng cấp sơ thẩm chưa hiểu hết nghiệp vụ của ngành ngân hàng nên việc xét xử sơ thẩm chưa thấu đáo. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận có thiếu sót về việc chưa chuẩn bị chuyên môn cho anh em chưa được tốt trong công tác thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu, có sự thiếu sót trong quá trình giám sát dẫn đến không ngăn chặn kịp thời hậu quả.
4 bị cáo còn lại thừa nhận hành vi phạm tội và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
NHNN đề nghị không xử lý hình sự ông Đặng Thanh Bình
Đại diện ngân hàng Nhà nước không có ý kiến gì trong phiên phúc thẩm, chỉ xin giữ nguyên quan điểm như công văn đã gửi trước khi khởi tố, đề nghị không xử lý hình sự những người có liên quan đến việc tái cơ cấu ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
 
Các bị cáo tại tòa
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt tuyên ông Bình 3 năm tù; Hà Tấn Phước (cựu Tổ trưởng tổ giám sát, cựu Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An) 2 năm tù; Lê Văn Thanh (cựu Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) 2 năm 6 tháng tù.
Phạm Thế Tuân (cựu Tổ phó tổ giám sát, cựu Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM) 1 năm tù; Ngô Văn Thanh (cựu thành viên tổ giám sát, cựu Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An) 1 năm 6 tháng tháng tù.
Theo bản án sơ thẩm, ông Bình được NHNH giao phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế. Ông có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có VNCB.
Tháng 8/2012, ông ký tờ trình trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp nhận chủ trương. Ông Bình đã ký quyết định thành lập tổ Giám sát đối với những hoạt động tại VNCB và được bầu làm tổ trưởng. Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm cổ đông Thiên Thanh) nhận chuyển nhượng Trustbank từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, VNCB được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.
Kết quả điều tra cho thấy có đủ căn cứ kết luận ông Bình đã có hành vi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN trình Thủ tướng.
Cụ thể, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác với thực trạng năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, vẫn quyết định để Danh quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành VNCB để người này sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội.
Phạm Công Danh và các đồng phạm thông qua các giao dịch chuyển tiền gây thiệt hại cho VNCB, trong đó có trách nhiệm của thành viên Tổ giám sát.
Thời điểm này, VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát. Tuy nhiên, ông Bình không thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho nhóm Thiên Thanh đứng đầu là Phạm Công Danh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng...
Đoàn Nga  (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm