Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Nguyễn Văn Duyên-Vượt lên tật nguyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 11 tháng tuổi, Nguyễn Văn Duyên (sinh năm 1983) đã bị số phận trêu ngươi khi không may liệt 2 chân. Nhưng hơn 33 năm qua, chàng trai tật nguyền ấy đã nêu gương sáng về nghị lực vượt lên số phận và khẳng định năng lực bản thân trên hành trình khởi nghiệp. Anh hiện là Giám đốc Trung tâm Tin học Điện tử Chư Sê (948 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê).

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Thanh Hóa, năm 1996, khi vừa tròn 13 tuổi, Duyên theo bố mẹ vào Chư Sê lập nghiệp. Duyên tâm sự: Khi anh được 11 tháng tuổi, đi tiêm phòng về, anh bị sốc thuốc dẫn đến teo cơ 2 chân. Lúc ấy, bố mẹ rất buồn và bản thân anh khi bắt đầu đi học cũng rất chán nản. Song nhờ sự động viên của gia đình và bạn bè nên Duyên đã không ngừng rèn luyện và vượt khó. Những năm học Tiểu học, THCS và THPT, anh luôn có thành tích học tập rất tốt.

 

Anh Nguyễn Văn Duyên. Ảnh: T.T
Anh Nguyễn Văn Duyên. Ảnh: T.T

Hành trình vượt khó

Sau khi tốt nghiệp THPT, Duyên trăn trở: Tật nguyền, đi lại khó khăn, mình phải chọn ngành học nào để sau khi tốt nghiệp đại học có thể làm việc tại chỗ, ít đi lại? Với suy nghĩ đó, Duyên quyết định thi vào Khoa Công nghệ Thông tin (Đại học Khoa học Huế). Và anh đã không quá khó khăn trong việc bước chân vào cổng trường đại học. Nhưng khoảng thời gian học đại học thì thật sự là cả một chặng đường gian nan, bởi khi ở nhà còn có gia đình trợ giúp, giờ đi học xa thì phải tự lập hoàn toàn. Không ngừng nỗ lực khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt và học tập, Duyên đã tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Công nghệ Thông tin.

Ra trường, chàng trai tật nguyền nhiều nghị lực được Công ty TNHH Hưng Phát ở Huế chuyên về công nghệ thông tin nhận vào làm việc. Lúc ấy, Duyên mừng đến chảy nước mắt vì 22 năm trời gia đình đã vất vả lo lắng cho anh, đến giờ anh đã làm ra tiền để tự lo cho bản thân và phụ giúp gia đình. Nhờ thông minh và chịu khó nên công ty nơi Duyên làm việc rất quý và dành nhiều ưu ái. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm làm việc tại Huế, Duyên suy nghĩ mình đã có kiến thức, có trải nghiệm, tại sao lại không về quê khởi nghiệp.

Trở về huyện Chư Sê, Duyên bắt tay làm lại từ đầu. Anh thuê đất và dựng tạm một căn nhà để làm dịch vụ sửa chữa về công nghệ thông tin. Lúc đầu khởi nghiệp, Duyên gặp rất nhiều khó khăn như địa bàn mới mẻ, vả lại khi thấy Duyên tật nguyền nhiều người cũng nghi ngại. Trước những thách thức ấy, Duyên không hề chán nản mà luôn tin rằng mình sẽ thành công.

Tạo dựng niềm tin với khách hàng

Để tạo niềm tin cho khách hàng, những máy móc mang đến Duyên đều sửa chữa với trách nhiệm cao nhất, giá thành phải chăng, có chế độ bảo hành tốt. Mặt khác, anh thường xuyên trao đổi, giải đáp cho khách hàng những thắc mắc về kỹ thuật nên lượng khách đến với cơ sở của Duyên ngày càng đông. Từ sửa chữa, khi đã tạo được uy tín, Duyên mở rộng thêm việc buôn bán máy tính, các thiết bị tin học, camera quan sát và cài đặt các phần mềm. Vừa làm bản thân Duyên vừa không ngừng học hỏi thêm kiến thức về tin học qua internet, tham gia các lớp tập huấn ở các nơi. Duyên cho biết, hiện Trung tâm Tin học Điện tử Chư Sê đáp ứng đến 40% nhu cầu của khách hàng trên địa bàn huyện, chưa kể những khách hàng đến từ các huyện Chư Pưh, Chư Prông.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN VĂN DUYÊN

* Không ngừng nỗ lực vượt khó.
* Duy trì niềm tin vào bản thân.
* Tạo niềm tin với khách hàng là điều quan trọng nhất.

Ngoài ra, thời gian qua, Duyên còn luôn chú trọng đến việc giúp đào tạo kỹ thuật viên, nhất là đối tượng thanh niên khuyết tật; đến nay, anh đã giúp đào tạo nghề sửa chữa máy tính cho hơn 30 thanh niên trên địa bàn. Những bạn trẻ này sau khi ra nghề đều phát huy được năng lực chuyên môn.

Nói về chuyện nghề và chuyện đời, Duyên bùi ngùi: “Những người khuyết tật như chúng tôi, học nghề gì, làm ở đâu, có được xã hội chấp nhận hay không là điều vô cùng quan trọng. Đã có lúc tôi nghĩ mình là người vô ích, bởi hành trình học nghề và làm nghề đối với mình quá khó khăn, chỉ ước sao mình có đôi chân lành lặn. Khi học được nghề, thành đạt và có được ngày hôm nay là cả một quãng đường dài đầy mồ hôi và nước mắt. Thế nhưng trong tôi lúc nào cũng có niềm tin, nếu mình cố gắng, nỗ lực hết sức, thành công sẽ đến cho dù muộn hơn mọi người. Trên địa bàn huyện Chư Sê còn rất nhiều người khuyết tật, họ cũng mong ước có một công việc bình thường để tự nuôi sống bản thân, không sống phụ thuộc nhưng đó không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy mà ngay khi thành lập trung tâm, tôi đã nghĩ mình phải nhận và dạy nghề cho người khuyết tật, để họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng”.

Thành Trung

Có thể bạn quan tâm