Văn hóa

Nhà thiết kế Minh Hạnh tổ chức show thời trang thổ cẩm tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu thổ cẩm Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh tổ chức show thời trang thổ cẩm, dự kiến diễn ra vào tối ngày 28-10 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).

Chương trình sẽ có hoạt động trình diễn các mẫu thiết kế áo dài và trang phục thổ cẩm Tây Nguyên; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ nghề dệt của các câu lạc bộ dệt, tổ liên kết dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh.

Phụ nữ Gia Lai trình diễn trong chương trình "Áo dài Việt-hương sắc Tây Nguyên" do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: Hoàng Ngọc
Phụ nữ Gia Lai trình diễn trong chương trình "Áo dài Việt-hương sắc Tây Nguyên" do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trước đó, Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm của xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã gửi NTK Minh Hạnh 10 tấm thổ cẩm dệt tay của các nữ nghệ nhân Ia Mơ Nông để phục vụ cho show diễn. Chị H’Uyên Niê-chủ nhiệm tổ đan lát cho biết: “Sắp tới, NTK Minh Hạnh sẽ cung cấp sợi tơ của thủ phủ dâu tằm tơ Bảo Lộc-Lâm Đồng để các nghệ nhân Ia Mơ Nông thực nghiệm trên khung dệt. Nếu thành công sẽ tạo ra sản phẩm mới từ nghề truyền thống để trở thành hàng hóa có giá trị cao, phù hợp với khuynh hướng thiết kế thời trang hiện nay. Chúng tôi đang rất háo hức với dự án này”.

NTK Minh Hạnh là một trong những người tiên phong của Việt Nam thiết kế và đưa trang phục thổ cẩm lên sàn diễn trong và ngoài nước. Hàng thập kỷ qua, bà đã bền bỉ tìm tòi, nghiên cứu chất liệu, tổ chức các chương trình biểu diễn thời trang để lan toả nét đẹp thổ cẩm, tôn vinh nghề truyền thống của nhiều tộc người bản địa Tây Nguyên.

Tỉnh Gia Lai có nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh thổ cẩm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tỉnh Gia Lai có nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh thổ cẩm. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: “Không chỉ là một show diễn thời trang, đây là hoạt động quảng bá, tôn vinh thổ cẩm Gia Lai và những nghệ nhân tài hoa trong sáng tạo, dần đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hóa bước ra thị trường, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Qua đó, góp phần khôi phục ngành nghề truyền thống, gìn giữ và phát huy văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai”.

Có thể bạn quan tâm