Hay tin nhà thơ Trúc Thông, nguyên Trưởng Phòng Văn học, Ban Văn nghệ (nay thuộc Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo VOV2) - Đài TNVN nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 5 - năm 2016, mừng cho ông sau một chặng dài miệt mài đi cùng thơ. Chắc trên giường bệnh, nhận tin ông sẽ mỉm cười trước tặng phẩm tinh thần này.
Nhà thơ Trúc Thông. |
Chợt nhớ tới một bài thơ không nổi tiếng của tác giả "Bờ sông vẫn gió".
Bài "Vườn quê" của Trúc Thông là một bài thơ ngắn nhưng đủ dư lượng để cho ông nói trong im lặng về sứ mệnh của thơ ca.
"Sứ mệnh của cây táo cây na
cây chanh cây đu đủ
cây quýt cây hồng xiêm
Cả cây ớt!
Sứ mệnh cây khoai nước...
Sứ mệnh của tự do và thân thiện con người
Phơi xanh giữa trời và lẳng lặng".
Có những bài thơ dài nhưng trôi đi nhàn nhạt không ở lại một câu một chữ nào. Có những bài thơ ngắn mà đọng lại cả tình và ý.
Trúc Thông là nhà thơ thích viết ngắn và coi trọng tứ thơ. Khi tình thơ và tứ thơ quyện vào nhau nhuần nhuyễn, ông có được những bài thơ ưng ý.
"Vườn quê" chưa phải là bài thơ thật xuất sắc của Trúc Thông. Nhưng nó xưng danh cho một cá tính thơ nghiêm cẩn và thích soi tìm ý nghĩa giữa khoảng lặng những dòng thơ, câu thơ. Khi trình bày thơ ông thích in thật to - ông bảo, như thế những con chữ nào lép sẽ bị lộ ra.
Trúc Thông không quen ôm đồm kể lể mà chọn lựa tứ thơ trong nhiều góc độ cuộc đời. Cốt lõi thơ được ôm trọn, được gói ghém kỹ bởi những câu thơ săn chắc. Mạch thơ đang xuôi êm, ông bất ngờ tung một mỏ neo găm lại, và bài thơ đã không trôi đi.
Khổ đầu giản dị điểm danh nhữ nhân vật chính của "Vườn quê": táo, na, chanh, đu đủ, hồng xiêm, ớt, khoai nước... - đủ mọi cá tính dưới vòm trời quê: chua cay, nhưng tất cả đều chung mọi sứ mệnh "phơi xanh giữa trời và lẳng lặng".
Câu thơ cuối bật lên tự nhiên như một quy luật bình dị mà kiêu hãnh của cái Đẹp. Thân phận của táo, na, chanh, đu đủ... gắn với vườn quê nhọc nhằn mưa nắng. Và rồi cứ thanh thản xanh tự do mặc kệ những trói buộc kìm hãm. Không phải là thứ quả trong vườn nữa rồi, mà như bản tính bộc trực hy sinh thuần hậu của người quê.
Cái đẹp vốn nguyên thể không cần xếp đặt hào nhoáng. Sứ mệnh của sáng tạo là lặng lẽ, âm thầm, không cầu danh, vụ lợi.
Nghĩ nhiều về một bài thơ ngắn là thói quen của độc giả. Và như thế nhà thơ đã hái được chút "quả ngọt" từ mảnh "Vườn quê" của mình. Dù lúc viết ra, Trúc Thông dường như chỉ muốn dứt khỏi những thúc bách tâm khảm vượt gió bụi phố phường để được sống thở trong cõi làng quê vốn lâu nay bình dị, khiêm nhường và thanh sạch. Về bên con sông Châu, quê ông, nơi có đôi chim cu "Áo trắng mắt cườm chân son mỏ đỏ/Gật gù đi trong cỏ pha thu"...
Theo VOV