Nhà trường và doanh nghiệp kết nối đào tạo nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, một số trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc kết nối đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhà trường tìm đến doanh nghiệp khi cần và doanh nghiệp tìm đến nhà trường khi có nhu cầu về nguồn nhân lực. Điều này không chỉ tạo điều kiện để các trường đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội mà còn giúp người học dễ dàng tìm kiếm việc làm.

Nhu cầu cao về lao động có tay nghề

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, cho rằng: “Các doanh nghiệp hiện nay cần nguồn nhân lực có tay nghề để làm việc. Theo đó, người lao động phải có kỹ năng nghề thành thạo và những kỹ năng mềm để làm việc trong môi trường công nghệ hiện đại”.

 

Các doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp học sinh, sinh viên ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: Đ.Y
Các doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp học sinh, sinh viên ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: Đ.Y

Lễ bế giảng khóa đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng nghề kết hợp với tư vấn, tuyển dụng của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai mới đây càng khẳng định điều này. 13 doanh nghiệp có mặt tại đây đều có nhu cầu tuyển dụng lao động có nghề với số lượng lớn. Bà Phạm Thị Thu Hằng-nhân viên Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (15 Trường Chinh, TP. Pleiku), cho biết: “Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang có nhu cầu tuyển dụng 300 nhân viên kỹ thuật cây ăn trái. Những lao động tốt nghiệp chuyên ngành nông học, lâm nghiệp, bảo vệ thực vật và khoa học cây trồng… là nhân lực mà đơn vị mong muốn tuyển dụng. Địa điểm làm việc ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Lao động làm ở Việt Nam có mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng/người/tháng, còn ở Lào và Campuchia mức lương khởi điểm là 8 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ ăn, ở và các quyền lợi khác”.

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Mía đường TTC Attapeu cũng đang có nhu cầu tuyển dụng 155 người có tay nghề về lái xe cơ giới, thợ sửa chữa xe cơ giới, lái xe tải, công nhân kỹ thuật, nhân viên canh tác, nhân viên phiên dịch tiếng Lào, làm việc ở tỉnh Attapeu (Lào). Sau khi kết thúc buổi tư vấn, tuyển dụng tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, chị Bùi Thị Thơm-nhân viên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Công ty, nhận xét: “Chúng tôi thấy nhiều em đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề rồi nhưng vẫn chưa sẵn sàng lựa chọn công việc phù hợp cho mình nên đơn vị đành đưa phiếu hẹn, nếu các em thấy có nhu cầu về việc làm tại Công ty thì gửi hồ sơ hoặc liên lạc trực tiếp qua số điện thoại của đơn vị để phỏng vấn, tuyển dụng”. Doanh nghiệp tư nhân Song Nguyên Gia Lai cũng đang có nhu cầu tuyển dụng 15 người học nghề hàn, tiện, với mức lương khởi điểm từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng, được hỗ trợ bảo hiểm y tế, ăn, ở tại đơn vị. Sau khi lành nghề, đơn vị sẽ trả theo sản phẩm, nhiều lao động tay nghề cao có thể thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/người/tháng.

Đôi bên cùng có lợi

Những năm qua, nắm bắt nhu cầu xã hội, 3 đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh là Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, Trường Trung cấp Nghề An Khê và Trường Trung cấp Nghề Ayun Pa đã thực hiện có hiệu quả việc liên kết đào tạo và tìm đầu ra cho người học.

Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai có hơn 40 kinh nghiệm đào tạo nghề với cơ sở vật chất hiện đại, phòng học lý thuyết và xưởng thực hành được trang bị đầy đủ. Hàng năm, nhà trường luôn đổi mới phương pháp giảng dạy với hơn 80% giờ học là thực hành, học sinh sinh viên (HSSV) được đi thực tế, làm việc và thực tập tại các doanh nghiệp lớn trong tỉnh. Đội ngũ giáo viên giảng dạy giàu kinh nghiệm đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. “Có lẽ vì vậy, HSSV của trường khi tốt nghiệp đều dễ dàng tìm kiếm việc làm. Cùng với đó, để doanh nghiệp và nhà trường thuận lợi trong việc đặt hàng đào tạo, tìm đầu ra cho HSSV, nhà trường còn thành lập Phòng Tư vấn tiếp xúc doanh nghiệp”-Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.

 

Ông Phạm Văn Hoan-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Ayun Pa: “Thời gian qua, nhà trường liên kết với Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát (huyện Krông Pa) để đào tạo 45 học sinh có tay nghề về điện và cơ khí. Cụ thể, nhà trường đã ký kết đào tạo với Công ty, sau 3 năm, học sinh ra trường sẽ được đơn vị tuyển dụng vào làm việc. Cùng với đó, nhà trường cũng chú trọng trong việc đào tạo nghề có địa chỉ, điển hình như nghề nấu ăn”.

Theo ông Vũ Văn Khiêm-nhân viên Phòng Hành chính Nhân sự (Công ty cổ phần Sản xuất Phân bón Trường Sinh), thời gian qua, đơn vị luôn có mối quan hệ chặt chẽ với một số trường nghề trên địa bàn tỉnh trong việc tuyển dụng lao động có nghề. “Việc liên kết tìm đầu ra giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho HSSV, nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp có cơ hội hiểu rõ hơn sinh viên và có thể dùng thử sản phẩm “sinh viên tốt nghiệp” thông qua thực tập, sinh viên hiểu rõ hơn doanh nghiệp và yêu cầu công việc trong doanh nghiệp”-ông Khiêm nói. Còn theo ông Trần Văn Hải-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề An Khê, đầu ra của HSSV là rất quan trọng. Vì vậy, những năm qua, nhà trường và Tổng Công ty 47 đã có mối quan hệ mật thiết để HSSV ra trường dễ dàng tìm kiếm việc làm, còn đơn vị cũng thuận lợi trong việc tìm nguồn nhân lực.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm