Nâng cao kiến thức pháp luật về kinh doanh đa cấp
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới. Kinh doanh theo phương thức đa cấp du nhập vào Việt Nam từ cuối năm 1999. Đây là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh, được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
Qua một thời gian phát triển, hoạt động bán hàng đa cấp đã có những thuận lợi như: quy định của pháp luật đã siết chặt hơn với yêu cầu các tổ chức, cá nhân chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bằng văn bản của Sở Công thương các tỉnh, thành phố.
Sở Công thương phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Thương mại (Bộ Công thương) tập huấn các vấn đề liên quan đến bán hàng đa cấp. Ảnh: V.T |
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thường xuyên, đa dạng về phương thức thực hiện qua việc cung cấp thông tin liên quan nhằm góp phần nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về lĩnh vực này như: giới thiệu, phân tích các mô hình trả thưởng trong kinh doanh đa cấp; những sản phẩm được phép áp dụng kinh doanh đa cấp; nhận diện, cảnh báo các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động với các ngành hàng như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... Tổng số người tham gia bán hàng đa cấp là 5.553 người. Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đạt 114 tỷ đồng.
Thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, chưa phát hiện vụ vi phạm nào về hành vi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, quảng cáo sai quy định.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Sau khi Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được ban hành, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã nâng cao ý thức tuân thủ, hướng tới sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, sự quyết liệt của ngành Công thương và các lực lượng chức năng trong công tác rà soát, quản lý, thanh-kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã đưa hoạt động này đi vào ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Tuy vậy, hoạt động đa cấp cũng gặp phải một số khó khăn. Bởi lẽ, đặc thù của mô hình kinh doanh này là việc quảng cáo, thông tin, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được các đơn vị thực hiện thông qua mạng lưới các nhà phân phối bằng phương thức quảng cáo truyền miệng nên khó kiểm soát tính chính xác của thông tin đến người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Ảnh: V.T |
Nhận diện những hình thức đa cấp biến tướng
Ông Khuất Duy Thoại-giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Thương mại (Bộ Công thương) cho hay: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là một hình thức kinh doanh tiên tiến trên thế giới. Kinh doanh theo phương thức đa cấp còn có tên gọi là bán hàng đa cấp, kinh doanh theo mạng, Multi-Level Marketing, Network Marketing.
Phương thức kinh doanh này giúp nhà sản xuất tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, kho bãi, vận chuyển hàng hóa đến nhân công... mà vẫn đảm bảo hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Nếu năm 2010, cả nước có 63 doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì thời điểm này chỉ còn 19 doanh nghiệp được cấp phép và đang hoạt động với 834.000 nhà phân phối khoảng 7.000 mặt hàng (trong đó 90% là thực phẩm chức năng). Năm 2022, doanh thu bán hàng đa cấp đạt trên 19.000 tỷ đồng, đóng thuế gần 2.900 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đang được siết chặt, nhất là từ khi Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28-4-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 20-6-2023 thì hoạt động kinh doanh đa cấp sẽ đi vào ổn định.
Theo ông Thoại, bản chất của kinh doanh theo phương thức đa cấp là sử dụng con người làm phương thức marketing, do đó, dễ gây ra sự nói quá về hình thức kinh doanh này, cũng như sẽ làm biến tướng, lợi dụng để kinh doanh sản phẩm không chất lượng hoặc huy động tài chính, kinh doanh tiền ảo.
Cần nhận diện kinh doanh đa cấp chân chính và kinh doanh đa cấp biến tướng qua các biểu hiện sau: thứ nhất là doanh nghiệp có đăng ký với Bộ Công thương chưa, có giấy phép kinh doanh tại thị trường tỉnh Gia Lai hay không; thứ hai là người tham gia có bắt buộc đóng một khoản phí nào không; thứ ba là các sản phẩm kinh doanh đó có nằm trong gói sản phẩm mà pháp luật quy định có được kinh doanh đa cấp hay không.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động. Ảnh: V.T |
Trên địa bàn tỉnh cũng từng xuất hiện các hình thức đa cấp biến tướng và có thể thời gian tới đây sẽ phát triển nhiều, nhất là hình thức đa cấp biến tướng dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Hiện nay, tất cả hình thức kinh doanh đa cấp dựa trên nền tảng kỹ thuật số đều bị cấm.
Bên cạnh đó, cũng có các hình thức dễ bị nhầm lẫn với bán hàng đa cấp là việc một số doanh nghiệp, nhóm kinh doanh về các vùng nông thôn để mời dụ theo hình thức hội chợ, hội thảo, giới thiệu các mặt hàng đồ gia dụng, thực phẩm chức năng, thuốc, máy massage trong thời gian 1-2 ngày. Hoặc hình thức tiếp thị liên kết (thuật ngữ này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật), là hình thức tiếp thị dịch vụ hàng hóa sử dụng thương mại điện tử và cần phải đăng ký theo pháp luật về thương mại điện tử…
“Kịch bản lừa đảo của các đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính thường theo xu hướng đầu tư sản phẩm công nghệ, giao dịch ngoại hối, tiền ảo, tài sản ảo chứ không còn là sản phẩm hữu hình nữa. Phương thức kêu gọi, ngoài tụ tập đông người qua hội nghị, hội thảo hay sự kiện lớn thì nay các đối tượng được hỗ trợ bởi công cụ internet qua ứng dụng di động, mạng xã hội… Về kênh thanh toán, ngoài giao dịch tiền mặt, giấy viết tay, nay có nhiều kênh thanh toán khác như chuyển khoản qua ngân hàng, chuyển tiền qua các phương tiện được gọi là “ví tiền ảo” hay “ví tiền điện tử”… Quá trình lôi kéo, dụ dỗ thường dùng chiêu quảng cáo quá sự thật, có người dẫn dắt, hướng dẫn, có chim mồi... Nếu không tỉnh táo và hiểu biết thì người dân rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động này”-ông Thoại khuyến cáo.