Sức khỏe

Nhân lực ngành Y tế: Cần cả chất lẫn lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm bảo chuyên môn, y đức để góp phần chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực

Toàn tỉnh hiện có gần 4.900 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có trên 900 bác sĩ. Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực y tế theo từng lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành, công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ luôn được chú trọng. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và theo giai đoạn gắn với việc quy hoạch của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm gắn với nhu cầu sử dụng theo vị trí việc làm, cử đi đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn, nhất là đội ngũ chuyên môn làm công tác điều trị có ý nghĩa rất quan trọng.

Nguồn nhân lực y tế đảm bảo chuyên môn, y đức góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Nguồn nhân lực y tế đảm bảo chuyên môn, y đức góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho biết: Đơn vị là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh. Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực luôn được ưu tiên hàng đầu, công tác đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tiếp cận các kỹ thuật cao không chỉ đáp ứng yêu cầu khám-chữa bệnh (KCB) cho người dân mà còn khẳng định uy tín, tiến tới xây dựng bệnh viện chuyên sâu.

“Bệnh viện xác định đào tạo nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển và bước đi phải phù hợp. Có nguồn nhân lực chất lượng, chuyên môn cao sẽ đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến và áp dụng các kỹ thuật hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng KCB cho người dân trên địa bàn Gia Lai nói riêng, các tỉnh lân cận nói chung. Bệnh viện đã xây dựng chiến lược đào tạo lâu dài và được đánh giá là một trong những đơn vị điều trị có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực. Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử các bác sĩ, nhân viên y tế đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; trong đó, cử các ê kíp đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến trên về các kỹ thuật mũi nhọn như: hồi sức tích cực, lĩnh vực tim mạch, điều trị đột quỵ não, nâng cao chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật nội soi, lọc máu… Ngoài ra, đơn vị còn cử đội ngũ đi tập huấn, đào tạo sau đại học, chuyên khoa II, quản lý y tế… Đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân viên y tế được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị tuyến trên”-bác sĩ Mỹ cho biết thêm.

Còn bác sĩ chuyên khoa II Đặng Hữu Chiến-Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh thì cho hay: Hàng năm, Bệnh viện xét duyệt và trình Sở Y tế cử cán bộ, viên chức đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Các trường hợp được xét duyệt (cả biên chế và hợp đồng) đều được đơn vị hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tiền lương cơ bản trong thời gian học tập. Bệnh viện hiện có trên 250 cán bộ, nhân viên y tế thì hàng năm có khoảng 20-25 người được cử đi đào tạo.

Với mục tiêu lấy bệnh nhân làm trung tâm, tất cả vì sự hài lòng của người bệnh, việc nâng cao chất lượng KCB là một điều kiện tiên quyết. “Trong đó, muốn nâng cao chất lượng KCB thì bệnh viện không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị hiện đại mà còn phải đầu tư phát triển nhân lực đảm bảo chuyên môn, yêu cầu công việc. Vì vậy, nâng cao trình độ chuyên môn nhân lực là hết sức quan trọng đối với các cơ sở điều trị”-bác sĩ Chiến nói.

Phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng

Bác sĩ Phạm Lê Trà (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vừa hoàn thành khóa đào tạo 1 năm tại Hàn Quốc. Bác sĩ Trà chia sẻ: “Tôi được Bệnh viện tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn tại các bệnh viện tuyến trên và mới đây được cử đi đào tạo chuyên môn tại Hàn Quốc chuyên về đốt rối loạn nhịp. Hiện Bệnh viện đã trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ và chỉ chờ đưa vào danh mục kỹ thuật thì Khoa Tim mạch sẽ đưa kỹ thuật đốt rối loạn nhịp vào điều trị cho người dân trên địa bàn tỉnh, giúp bệnh nhân được KCB ngay tại tỉnh, giảm thiểu chi phí và thời gian đi lại thay vì phải chuyển tuyến trên”.

Nguồn nhân lực y tế đảm bảo chuyên môn, y đức góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Nguồn nhân lực y tế đảm bảo chuyên môn, y đức góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Như Nguyện

Cũng được tạo điều kiện trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bác sĩ chuyên khoa I Hồ Anh Tuấn-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Nhi tỉnh) bộc bạch: Nghề y là nghề đặc thù, bác sĩ, nhân viên y tế luôn luôn phải tiếp thu và học tập những phương pháp kỹ thuật mới để áp dụng vào công tác KCB, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Thời gian qua, tôi được đơn vị tạo điều kiện đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Đơn vị còn hỗ trợ về kinh phí, tiền đi lại, tài liệu… giúp tôi an tâm học tập và trở về cống hiến.

Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế đảm bảo số lượng và chất lượng cho từng vùng, từng cấp độ chăm sóc và từng chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong tình hình mới là vấn đề cấp thiết. Trên thực tế, dù nguồn nhân lực y tế của tỉnh thời gian qua đã được tăng cường củng cố nhưng vẫn còn thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sâu và cán bộ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng như: lao, phong, tâm thần; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nhất là ở tuyến cơ sở.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tất cả trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 9 bác sĩ; đạt 10 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030; đạt 22 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 và 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2030. Như vậy, ước tính đến năm 2025, Gia Lai cần khoảng 1.370 bác sĩ, 150 dược sĩ đại học và 3.000 điều dưỡng; đến năm 2030 cần 1.530 bác sĩ, 230 dược sĩ đại học và 3.800 điều dưỡng.

Ông Lê Sỹ Cẩn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) thông tin: Sở Y tế rất chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, trong đó tăng cường tuyển dụng và đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ y tế tại các địa bàn khó khăn; khuyến khích ưu tiên và tăng tuyển dụng nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn với các hình thức hợp đồng ưu đãi tài chính (phụ cấp, lương) và ưu đãi phi tài chính (cơ hội được biên chế chính thức, được đào tạo nâng cao trình độ). Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường nhân lực KCB cho tuyến cơ sở, đồng thời góp phần đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ tuyến dưới.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa công tác y tế, tăng cường tự chủ của các bệnh viện, đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển nhân lực KCB ngoài công lập và tận dụng nguồn nhân lực có tiềm năng khác theo hướng xã hội hóa để giảm tải ngân sách nhà nước. Tuyển dụng nhân lực y tế hàng năm, sớm nghiên cứu, tham mưu cho cấp thẩm quyền các chế độ chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại địa phương, cơ sở.

Cũng theo ông Cẩn, trong giai đoạn 2022-2025, ngành Y tế tập trung đào tạo phát triển nhân lực y tế để phục vụ cho công tác KCB và phòng-chống dịch bệnh được dựa trên cơ sở thực tiễn, thừa kế và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm, khắc phục những bất cập và yếu kém để đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Hợp tác với các trường đại học y-dược đào tạo đại học và sau đại học để bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho tỉnh.

Định hướng giai đoạn 2026-2030, xây dựng và thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập hợp lý nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ y-bác sĩ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ký kết đào tạo với các trường đại học y-dược uy tín như: Đại học Tây Nguyên, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh… hoặc hợp tác với trường đại học uy tín đào tạo đại học và sau đại học để bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho tỉnh.

Có thể bạn quan tâm