(GLO)- Gia đình là tế bào của xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vậy phải làm gì để giữ gìn gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc?
Những ngày cuối tháng 6 này, Phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động cùng cấp tổ chức các hoạt động thiết thực nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Cùng vợ tham gia tiểu phẩm “Trọng nam kinh nữ” tại hội thi “Tìm hiểu kiến thức gia đình hạnh phúc và an toàn thực phẩm” do huyện Đak Đoa tổ chức, anh Nguyễn Đức Minh (thôn Tân Tiến, xã Trang) nói: “Hạnh phúc gia đình không phải chỉ có đủ con trai, con gái. Điều quan trọng là vợ chồng hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Gia đình là tổ ấm cho ta trở về sau mỗi ngày làm việc vất vả”.
Gia đình anh Nguyễn Đức Minh. Ảnh. Đ.Y |
Anh Minh cho hay: Hiện nay, nhiều gia đình ở nông thôn, người chồng vẫn còn có ý nghĩ bắt vợ, con phải phục tùng mình. Theo suy nghĩ của anh Minh, làm chồng, làm cha như thế là không nên. Bởi gia đình bình đẳng, hạnh phúc là khi vợ chồng phải cùng nhau chia sẻ từ việc nhỏ đến việc lớn. “Vợ chồng tôi đều làm công nhân cạo mủ cao su. Nhiều khi vào vụ cạo, tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để đi làm. Vợ ở nhà chăm sóc 2 con, buôn bán lặt vặt. Thấy công việc của tôi nhiều thì vợ ra lô phụ giúp. Khi xong việc ngoài lô, vợ chồng cùng về, mỗi người một việc, tôi nấu cơm thì vợ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Nhiều lúc vợ chồng tôi cũng to tiếng nhưng “chồng nóng thì vợ bớt lời” nên luôn hạnh phúc, cùng nhau nuôi dạy con cái trưởng thành”-anh Minh chia sẻ.
Tại hội thi “Phụ nữ với an toàn thực phẩm” huyện Chư Pah, những người tham dự rất mến phục đôi vợ chồng trẻ người Jrai-Huyên NLê và Siu Thúp (xã Ia Mơ Nông). Qua tiểu phẩm “Hạnh phúc trong gia đình trẻ người Jrai”, anh chị lấy nội dung từ câu chuyện gia đình của mình để nói về quan niệm giữ gìn hạnh phúc trong các gia đình trẻ người Jrai. Anh Siu Thúp tâm sự: “Gia đình mình có cuộc sống hạnh phúc, nền nếp là nhờ sự chuẩn mực của ông bà. Dẫu bố mẹ vợ đã già nhưng vẫn yêu thích lao động, phụ giúp con cái công việc vườn tược, đảm nhận cả việc nhà và khuyến khích con cháu tham gia phong trào, lễ hội do địa phương tổ chức. Nhờ đó, mỗi thành viên trong gia đình nhận thức ra rằng, sống phải có trách nhiệm với nhau hơn”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa Gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): “Phía sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ. Hạnh phúc gia đình chỉ có sự yêu thương và chia sẻ mới giúp mỗi chúng ta thấu hiểu, tôn trọng các giá trị cũng như cuộc sống của nhau. Hạnh phúc gia đình còn là nền tảng để con cái trưởng thành”. |
Còn theo anh Nguyễn Tiến Nam (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) thì hạnh phúc gia đình đơn giản chỉ là những bữa cơm đạm bạc, an toàn vệ sinh thực phẩm. “Buổi tối là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Đây là lúc cả nhà ngồi bên nhau, chia sẻ ý kiến của các thành viên trong gia đình về một vấn đề gì đó, để con gái tâm sự với cha mẹ những điều chưa rõ, nghe vợ kể về chuyện gia đình...”- anh Nam tâm sự.
Cuộc sống hiện đại luôn tất bật, hối hả với nhiều lo toan khiến cho “các tế bào của xã hội” đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, nếu mỗi thành viên trong gia đình biết sắp xếp, biết dành thời gian cho gia đình thì hạnh phúc sẽ nở hoa. Thầy giáo Phạm Ngọc Phong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Dù bận rộn cả ngày với việc dạy học nhưng tôi vẫn không quên động viên, hỗ trợ người vợ thân yêu của mình. Những ngày lễ, Tết, tôi sắp xếp thời gian đưa vợ và các con đi chơi để vun đắp thêm tình yêu thương gia đình. Tôi hy vọng các ông chồng dù bận rộn với công việc cũng nên dành thời gian chia sẻ với các thành viên trong gia đình để có cuộc sống hạnh phúc”.
Đinh Yến