Năm 2001, anh Lê Văn Dũng (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) lên đường nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn Thông tin 29. Trong quá trình công tác, anh có cơ hội tìm hiểu sâu về kỹ thuật với những máy móc, trang bị hiện có. Năm 2003, anh được đơn vị cử đi học và trở thành nhân viên báo vụ.
Thượng úy Lê Văn Dũng sử dụng sáng kiến của mình để thu, phát tin. Ảnh: V.H |
Với nhiệm vụ được giao, anh tâm niệm phải luôn cố gắng học tập, nghiên cứu, làm chủ phương tiện thông tin, đảm bảo “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã từng bước làm chủ các loại phương tiện thông tin của đơn vị và khẳng định khả năng của bản thân. Trong quá trình “sống chung” với các thiết bị, máy móc, anh nhận thấy một số phương tiện thông tin hoạt động kém hiệu quả, trong đó có hệ thống tổ hợp thông tin cầm tay VRU-812.
Thượng úy Dũng cho hay: Trước đây, khi sử dụng thiết bị này, nhân viên phải dùng 1 tay để bóp công tắc, tay còn lại ghi thông tin vào sổ theo dõi nên mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, khi thực hiện nhiệm vụ chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, đảm bảo thông tin liên lạc cho các cuộc diễn tập, nhân viên báo vụ luôn theo sát các thủ trưởng để đảm bảo thông tin liên lạc. Vì vậy, cùng với máy 2 W, nhân viên báo vụ còn phải mang theo tư trang cá nhân nên việc dùng tổ hợp cầm tay VRU-812 gây nhiều khó khăn.
Sau một thời gian nghiên cứu, Thượng úy Dũng đã có sáng kiến “Tổ hợp dùng cảm biến âm thanh để chuyển mạch thu, phát máy vô tuyến điện VRU-812”. Thiết bị được cấu tạo gồm: bộ tai nghe, cảm biến âm thanh, bộ chuyển mạch, micro. Tất cả đều được tích hợp trên 1 thiết bị tai nghe đeo qua đầu, có thể điều chỉnh khoảng cách giữa 2 tai nghe và micro tùy vào người sử dụng. Ưu điểm của thiết bị là người sử dụng không phải dùng tay bóp vào công tắc khi nói, gọn nhẹ, chỉ cần quàng qua đầu khi thực hiện các thao tác nghe và truyền tin. Vì vậy, nhân viên báo vụ luôn rảnh tay để ghi chép thông tin.
Cùng với đó, tổ hợp thiết bị dùng cảm biến âm thanh có dải tần số từ 0,3 đến 0,4 kHz, tương đương với giọng nói con người. Làm việc ở dải tần số này có độ cảm ứng với cự ly từ miệng đến micro là 3-4 cm. Theo đó, những tiếng ồn bên ngoài và giọng nói lớn có khoảng cách 5-6 cm trở lên không ảnh hưởng đến quá trình thông tin liên lạc.
Thiếu tá Nguyễn Bá Hải-Đại đội trưởng Đại đội 1-cho biết: “Đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên. Trong điều kiện phương tiện khí tài thông tin luôn hoạt động với tần suất cao và nhiều loại khí tài thông tin hoạt động chưa hiệu quả, Thượng úy Lê Văn Dũng đã bỏ công nghiên cứu và có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tính ứng dụng cao. Trong đó, sáng kiến “Tổ hợp dùng cảm biến âm thanh để chuyển mạch thu, phát máy vô tuyến điện VRU-812” không chỉ giảm công sức, thời gian cho nhân viên báo vụ mà còn đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn khi phục vụ thông tin liên lạc cho các đơn vị huấn luyện, diễn tập, chuyển trạng thái và sẵn sàng chiến đấu. Nhờ đó, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Còn Thiếu tá Nguyễn Thanh Bắc-Chính trị viên Tiểu đoàn Thông tin 29 thì khẳng định: “Đồng chí Lê Văn Dũng là gương điển hình tiên tiến của đơn vị. Không chỉ là nhân viên báo vụ giỏi, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, anh còn luôn gương mẫu trong việc rèn luyện kỷ luật, chấp hành điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định. Anh cũng luôn đi đầu trong mọi công việc, tham gia các phong trào của đơn vị, sống hòa đồng, có tinh thần đoàn kết đồng chí, đồng đội”.