Nhân viên Jetstar đình công, hàng nghìn hành khách bị hủy chuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc đình công đã bắt đầu diễn ra trên khắp các sân bay lớn của Australia. Dự kiến, vào ngày 14/12, sẽ có 44 chuyến bay bị hủy bỏ, trong khi vào ngày 15/12, con số này sẽ là 46 chuyến bay.

Ngày 13/12, cuộc đình công đã bắt đầu diễn ra trên khắp các sân bay lớn của Australia. (Nguồn: Facebook)
Ngày 13/12, cuộc đình công đã bắt đầu diễn ra trên khắp các sân bay lớn của Australia. (Nguồn: Facebook)



Hàng nghìn du khách có nguy cơ bị chậm hoặc hủy chuyến bay do các phi hành đoàn và nhân viên mặt đất của hãng hàng không Jetstar Airway Australia tổ chức đình công từ ngày 13-15/12.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 13/12, cuộc đình công đã bắt đầu diễn ra trên khắp các sân bay lớn của Australia.

Dự kiến, vào ngày 14/12, sẽ có 44 chuyến bay bị hủy bỏ, trong khi vào ngày 15/12, con số này sẽ là 46 chuyến bay.

Danh sách đầy đủ các chuyến bay sẽ bị hủy đã được Jetstar thông báo trên các bản tin và phương tiện công cộng.

Sau đợt cao điểm đình công ba ngày cuối tuần, các phi hành đoàn và nhân viên mặt đất của Jetstar sẽ tiếp tục đình công với cường độ thấp hơn trong suốt cả tuần tới, làm tăng khả năng gây trễ chuyến trên toàn bộ hệ thống của Jetstar.

Hãng này khẳng định bất kỳ hành khách nào có lịch bay từ ngày 13-20/12 đều có thể yêu cầu hoàn lại tiền vé.

Phát biểu với báo giới, Thư ký quốc gia của Công đoàn Lao động Vận tải Australia, Michael Kaine nêu rõ đình công đã bùng phát sau khi Jetstar từ chối các yêu cầu tăng lương, quy định số giờ làm tối thiểu và cải thiện an toàn cho người lao động.

Ông cho rằng hãng hàng không giá rẻ của Australia đã kiếm được 4 tỷ AUD (tương đương 2,72 tỷ USD) doanh thu hàng năm, trong khi các nhân viên buộc phải làm việc với cường độ cao và mức lương thấp.

Jetstar và đại diện công đoàn đã thương thảo trong suốt gần một năm qua. Tuy nhiên, bất chấp các kiến nghị của công đoàn, Jetstar vẫn từ chối yêu cầu về thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, đảm bảo khoảng thời gian nghỉ 12 giờ giữa các ca và 30 giờ một tuần…

Giám đốc điều hành Tập đoàn Jetstar, Gareth Evans nhận định những yêu cầu mà Công đoàn đưa ra đã gây áp lực đáng kể lên chính sách duy trì mức giá vé thấp của hãng, buộc công ty phải xem xét lại các khoản đầu tư.

Ông cho rằng nếu Jetstar chấp nhận yêu cầu về mức tăng lương tối thiểu 15%, điều đó có nghĩa là giá vé cũng sẽ phải tăng lên mức tương ứng, gây áp lực cho hoạt động kinh doanh của hãng.

 

Theo Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm