Khoa học - Công nghệ

Nhật Bản sử dụng AI để phân tích khối u não ác tính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Fujifilm và Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản công bố đã phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể kiểm tra các khu vực nghi ngờ có khối u não ác tính từ hình ảnh chụp cộng hưởng từ - MRI.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty/iStock)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty/iStock)

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 28/2, Fujifilm và Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản công bố đã phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể kiểm tra các khu vực nghi ngờ có khối u não ác tính từ hình ảnh chụp cộng hưởng từ - MRI.

Hệ thống được giới thiệu có khả năng cung cấp thông tin chính xác về kích thước của khối u giúp tăng hiệu quả điều trị.

Cụ thể, các nhà khoa học đã phát triển hệ thống AI chuyên biệt để phát hiện các khối u não ác tính, thường gọi là u thần kinh đệm (glioma).

Đây là một loại ung thư hiếm gặp với số ít bệnh nhân và khi khối u phát triển có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm đau đầu, buồn nôn và suy giảm ngôn ngữ.

Phương pháp điều trị điển hình cho căn bệnh này bao gồm chụp ảnh não MRI, thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u, sau đó xạ trị và hóa trị.

Hiện nay, việc sử dụng AI để quan sát các khối u ngày càng phổ biến nhưng do số lượng bệnh nhân mắc u thần kinh đệm ít nên dữ liệu lâm sàng khan hiếm và cho đến nay vẫn chưa có AI chuyên biệt để phân tích.

Hệ thống AI mới do Fujifilm và Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản hợp tác phát triển có thể xác định chính xác diện tích và kích thước của khối u thần kinh đệm, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân.

Fujifilm đặt mục tiêu sẽ sớm cho ra mắt các sản phẩm được trang bị công nghệ AI phát triển chung này.

Có thể bạn quan tâm