Xã hội

Gia đình

Nhiều bất cập trong chính sách phòng-chống xâm hại trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã dành 1 ngày làm việc để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng-chống xâm hại trẻ em. Trong phiên họp, bà Ksor H'Bơ Khăp-đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại phần thảo luận.



Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng-chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, tại các địa phương trong cả nước vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor HBơ Khăp đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại phần thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng-chống xâm hại trẻ em. Ảnh: T.D
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H'Bơ Khăp đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại phần thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng-chống xâm hại trẻ em. Ảnh: T.D



Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng-chống xâm hại trẻ em vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe; việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng-chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; quá trình giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…

Về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đã dành trọn 1 ngày để thảo luận, phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế; qua đó đề xuất giải pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác phòng-chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới. Tham gia thảo luận trực tuyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H'Bơ Khăp trăn trở: “Trẻ em có nguy cơ bị xâm hại rất nhiều, phương thức, thủ đoạn xâm hại ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường. Con số chúng ta đang có về các vụ xâm hại trẻ em có thể chỉ là phần nổi của tảng băng”. Theo đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, trên thực tế, những diễn biến liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mà pháp luật chưa nhận diện. Vì vậy, cần nhấn mạnh đến khía cạnh nhận diện hành vi xâm hại trẻ em để định hướng, bổ sung, hoàn thiện luật và thực thi luật, đồng thời giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng phòng-chống xâm hại trẻ em. Ví dụ, các hành vi như: quay lén, nhìn lén hoặc bắt trẻ nhìn vào bộ phận nhạy cảm với hình thức trực tiếp hoặc qua mạng… diễn ra khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý theo chế tài, nếu có xử lý cũng rất nhẹ.  

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại phần thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: Trần Dung
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại phần thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: Trần Dung



Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp cũng nêu một thực trạng rất đáng lưu tâm, đó là “chỉ khi xảy ra các vụ việc trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng thì phụ huynh, nhà trường, các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội mới cuống cuồng lên”. Do vậy, cần triển khai phòng-chống xâm hại trẻ em theo hướng phòng ngừa và trang bị kỹ năng cho trẻ là chính, mặt khác phải xử lý nghiêm các hành vi xâm hại. Tuy nhiên, theo đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, hiện nay, việc giáo dục kỹ năng chủ yếu được tổ chức theo những lớp học ngắn hạn của các cơ sở tư nhân. Còn trong trường học (đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số), hoạt động này còn mang tính hình thức, đối phó. Bản thân trẻ khi không được tiếp thu đầy đủ kiến thức về giới tính, về việc bản thân được pháp luật bảo vệ như thế nào… thì kỹ năng của trẻ chỉ dừng lại ở ngưỡng không được phép tiếp xúc với người lạ. Trong khi đó, theo báo cáo thì đa số các vụ xâm hại trẻ đều là những người thân quen với các em.

Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp phân tích thêm: “Chúng ta cần xác định những nhóm trẻ dễ bị xâm hại, trong đó chú ý đến nhóm trẻ ở các trường nội trú, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở tôn giáo… Nhiều vụ việc nghiêm trọng, kéo dài khi được phanh phui thì cả xã hội mới bàng hoàng, xem đó là hồi chuông cảnh báo. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Cần định hướng giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính một cách đồng bộ trong toàn xã hội chứ không chỉ cho con trẻ. Ngay cả người lớn chúng ta vẫn còn nhiều người thờ ơ do nhận thức chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời trước những diễn biến nguy hiểm của loại tội phạm này”.

 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm