Nhiều cách làm hay giúp cai nghiện ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai đã có nhiều cách làm hay giúp các học viên cai nghiện hiệu quả, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Xác định công tác đào tạo nghề là một khâu quan trọng trong quá trình cai nghiện ma túy, thời gian qua, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai mở các lớp dạy nghề cho học viên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác cai nghiện.
Để thực hiện tốt khâu đào tạo nghề, sau thời gian cắt cơn nghiện, hàng ngày, bộ phận y tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ tham gia công tác tư vấn, giáo dục giúp học viên ổn định tư tưởng. Khi tâm lý, tư tưởng, sức khỏe đã ổn định, đơn vị nghiên cứu, lựa chọn những nghề vừa phù hợp để tổ chức đào tạo. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, cơ sở đã đào tạo cho gần 200 học viên với các nghề như: điện dân dụng, sửa chữa xe máy và kỹ thuật chế biến món ăn, mỗi khóa có thời gian đào tạo là 3 tháng.
Học viên Nguyễn Trọng Tiến cho biết: “Vào đây, tôi được học nghề tháo ráp động cơ cũng như hộp số xe máy. Sau này, khi được tái hòa nhập cộng đồng, tôi mong muốn tiếp tục học thêm khóa nâng cao sửa chữa và bảo dưỡng xe máy để có một nghề đảm bảo cuộc sống”.
Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Hiện cơ sở có gần 200 học viên, chủ yếu là thanh niên. Ngoài thực hiện tốt công tác chữa bệnh, cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe cho học viên theo phác đồ và quy trình điều trị, cơ sở đã đưa vào nhiều chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xa lánh ma túy, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe, tổ chức thường xuyên các cuộc thi về tác hại ma túy đến sức khỏe... nhằm tạo môi trường thân thiện.
Trao đổi với chúng tôi khi được tham gia các hoạt động ngoại khóa, học viên Mai Thế Anh bày tỏ: “Lúc mới vào đây, tôi khá lo lắng. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ ân cần của các cán bộ, giáo viên, tôi thấy tự tin hơn. Tham gia hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền về phòng-chống ma túy, giúp tôi biết rõ tác hại của ma túy đối với bản thân và cộng đồng. Tôi sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt”.
Các học viên thực hành sửa chữa máy nông cụ. Ảnh: Hà Đức Thành
Các học viên thực hành sửa chữa máy nông cụ. Ảnh: Hà Đức Thành
Do tính chất công việc khá đặc thù nên mỗi cán bộ tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh đều rèn cho mình tính kiên trì, nhẫn nại và phương pháp dùng tình cảm để cảm hóa, giáo dục học viên. Đáng quý hơn là cán bộ, nhân viên và học viên nơi đây đều cùng chung quan niệm: người nghiện ma túy là người bệnh, cơ sở cai nghiện là nơi chữa bệnh, học viên đến để chữa bệnh chứ không phải bị cách ly xã hội. Cho nên, các cán bộ, nhân viên đều tận tụy với bệnh nhân, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc.
Ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy-chia sẻ: “Học viên vào đây thời gian từ 12 đến 24 tháng trong một môi trường khép kín. Nhận thức được vấn đề đó nên từ lãnh đạo đến các thầy-cô giáo của đơn vị thường xuyên tạo các sân chơi cho học viên. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các chuyên đề sâu về phòng-chống ma túy, chăm sóc sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng, chúng tôi còn xây dựng các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao, thầy cô giao lưu với các em, các đơn vị kết nghĩa đến giao lưu động viên các em, tôi nghĩ đó là liều thuốc tốt nhất để giúp các em hoàn thành tốt việc cai nghiện để sớm hòa nhập cộng đồng”.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Sơn, nhờ những hoạt động ngoại khóa nên sau thời gian cắt cơn nghiện, hầu hết học viên đều lấy lại tinh thần và quyết tâm từ bỏ ma túy, từ bỏ quá khứ lầm lỗi để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Phục hồi về sức khỏe, nhiều học viên tỏ rõ sự lạc quan, phấn khởi. Quan trọng hơn là khi ở đây, họ nhận được sự đồng cảm, sẻ chia, được đào tạo nghề, tạo kế sinh nhai để khi hoàn thành chương trình cai nghiện giúp họ trở thành những người có ích hơn cho xã hội.
HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm