Đô thị

Không gian sống

Nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đầu tư về kinh phí, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao ý thức, thay đổi hành vi về BVMT.

Xã Tân An là một trong những địa phương điển hình của huyện Đak Pơ trong triển khai các phong trào, hoạt động về BVMT. Bà Bùi Thị Hồng Thắm-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-cho hay: Hàng tháng, Hội phối hợp với Mặt trận, các hội, đoàn thể của xã cùng các thôn, làng huy động người dân dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng. Bên cạnh đó, Hội thành lập 6 mô hình, câu lạc bộ về BVMT với gần 300 thành viên. Qua đó, người dân tự giác phân loại rác thải tại nhà, đăng ký đổ rác với các tổ thu gom rác tại địa phương, tham gia trồng con đường hoa, hàng rào xanh, dọn vệ sinh, góp phần giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Nói về công tác BVMT trên địa bàn, ông Nguyễn Phương Thành-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Đak Pơ-cho biết: Hàng năm, UBND huyện đều phân bổ kinh phí để triển khai các nhiệm vụ BVMT trên địa bàn; tập huấn về công tác quản lý đất đai, môi trường cho công chức địa chính cấp xã; tuyên truyền về BVMT nhân các ngày lễ về môi trường cho người dân.

Bên cạnh đó, Phòng TN-MT phối hợp với Mặt trận và các hội, đoàn thể xây dựng hơn 30 mô hình về BVMT; tổ chức các hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh tại các khu vực công cộng. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị của huyện đạt 42,5%, năm 2023 phấn đấu đạt 45%. Trong năm 2023, UBND huyện cũng đã phân bổ 800 triệu đồng để đưa bãi rác ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định.

Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều buổi ra quân dọn dẹp vệ sinh nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: Nhật Hào

Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều buổi ra quân dọn dẹp vệ sinh nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: Nhật Hào

Tương tự, huyện Phú Thiện cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT. Ông Nguyễn Minh Đăng-Trưởng phòng TN-MT huyện-thông tin: Hàng năm, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ban, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ BVMT như: tuyên truyền, tập huấn về BVMT, thanh-kiểm tra nhằm kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; xây dựng các mô hình về BVMT.

Từ đó, huyện đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân trong hoạt động dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh tại khu vực công cộng; hạn chế sử dụng túi ni lông, thu gom, phân loại bỏ rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định, di dời chuồng trại ra xa nhà ở… Đến cuối năm 2022, tỷ lệ rác thải sinh hoạt khu vực đô thị thu gom đạt 68%; rác thải bảo vệ thực vật sau sử dụng đều được huyện cấp kinh phí để hợp đồng đơn vị đủ chức năng thu gom, xử lý.

Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm triển khai các hoạt động BVMT. Theo ông Nguyễn Tự Quyết-Phó Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh: Tại Khu Công nghiệp Trà Đa hiện có 62 dự án đầu tư, trong đó, 54 dự án đang hoạt động nên lượng chất thải phát sinh lớn. Để giảm thiểu tác động đến môi trường, Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 2.000 m3/ngày đêm để đấu nối, thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp đạt loại B; đồng thời, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải, bùn thải tự động, kết nối truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN-MT để theo dõi trước khi xả thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên kiểm tra các điểm đấu nối nước thải để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, các sự cố nhằm nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục. Riêng đối với rác thải, Công ty phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) triển khai mô hình “Công tác thu gom, bảo quản và xử lý chất thải rắn công nghiệp đạt chuẩn”, các doanh nghiệp được hướng dẫn phân loại rác thải thành 3 loại: rác thải sinh hoạt, rác thải rắn công nghiệp thông thường và rác thải nguy hại.

“Các doanh nghiệp tại khu công nghiệp cơ bản chấp hành tốt các quy định pháp luật về BVMT. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư công nghệ xử lý chất thải; tích cực thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Riêng các trường hợp vi phạm chiếm số ít, chủ yếu là do xảy ra các sự cố”-ông Quyết nói.

Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Hồng Quyên-Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN-MT) cho hay: Thời gian qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đầu tư về kinh phí, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao ý thức, thay đổi hành vi về BVMT; xây dựng nhiều mô hình về BVMT; xây dựng kế hoạch thanh-kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn; thực hiện công tác quan trắc, kiểm tra, giám sát và xử lý môi trường; thu thập thông tin, dữ liệu môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở TN-MT đang quản lý và vận hành 9 trạm quan trắc tự động nước thải, khí thải; đồng thời, đôn đốc 16/23 doanh nghiệp có nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục. Các số liệu quan trắc đều được kết nối, công khai trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường), cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai, trang thông tin điện tử của Sở TN-MT để theo dõi. Nhờ đó, tỉnh đã từng bước kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường. Năm 2022, tỷ lệ chất thải sinh hoạt được thu gom tại khu vực đô thị đạt 95,4%; chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 92%.

Huyện Đak Pơ hỗ trợ xe đựng rác nhằm tạo thuận lợi cho người dân thu gom, xử lý rác thải. Ảnh: Nhật Hào

Huyện Đak Pơ hỗ trợ xe đựng rác nhằm tạo thuận lợi cho người dân thu gom, xử lý rác thải. Ảnh: Nhật Hào

Tuy nhiên, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp một số khó khăn do phát triển dân số và quá trình đô thị hóa làm tăng áp lực lên môi trường. Chất thải chưa được phân loại tại nguồn, công tác thu gom rác thải sinh hoạt chưa đáp ứng với lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều; hầu hết các bãi rác đều là bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường; trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị có đủ chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý.

“Để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, Sở TN-MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về BVMT; vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm đầu tư về hệ thống xử lý chất thải, yêu cầu các doanh nghiệp có nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục; nâng cao chất lượng công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường; tăng cường phối hợp các cấp chính quyền, đoàn thể, cơ quan chuyên môn quản lý môi trường, Cảnh sát Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT”-Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm