Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình cắt giảm cấp phó HĐND

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là rất cần thiết, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất giảm cấp phó hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện.
Lo khó đảm đương công việc
Sáng 10.6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại đây, nội dung cắt giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện đã trở thành "điểm nóng" của phiên thảo luận.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong quá trình xây dựng dự án Luật còn có ý kiến khác nhau về giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh.
Theo đó, ý kiến thứ nhất đề xuất giảm số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 Phó Chủ tịch nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về cơ cấu tổ chức HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi cả nước. Chính phủ thống nhất với ý kiến này.
Loại ý kiến thứ hai đề xuất giữ nguyên số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành nhằm bảo đảm cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đối với chính quyền địa phương hiện nay.
 
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp).
Thảo luận tại Quốc hội, từ thực tế địa phương, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cấp huyện giảm còn 1 phó chủ tịch là được nhưng cần giữ nguyên Phó trưởng ban chuyên trách như hiện nay, để công việc của HĐND sẽ tốt.
“Riêng cấp tỉnh phải có 2 phó chủ tịch HĐND để điều hành công việc hiệu quả. Ngoài nhiệm vụ phó chủ tịch còn nhiều mối quan hệ khác trong mối quan hệ của mình, nếu chỉ có 1 phó chủ tịch sẽ rất khó đảm đương công vụ. Về biên chế, 63 người không là bao nhiêu trong tổng biên chế chung”, ông Hoà nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Đình Giang (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, theo quy định chức năng nhiệm vụ của Thường trực HĐND có tới 10 nhiệm vụ cụ thể, vì vậy nếu quy định giảm còn 1 phó chủ tịch HĐND tỉnh thì rất khó đáp ứng nhu cầu công việc. 
Nhiều đại biểu khác cũng kiến nghị cần giữ nguyên quy định như hiện hành là có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. 
Không có người họp nếu cắt giảm biên chế ở HĐND
Cũng cho rằng không nên giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) cho rằng, nếu giảm số lượng đại biểu HĐND một cách cào bằng, áp dụng với tất cả các địa phương là chưa hợp lý, cần phải được cân nhắc thận trọng
“Theo phương án của Chính phủ thì giảm số lượng đại biểu HĐND cào bằng tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng điều này là không hợp lý, không có tính thuyết phục cao… Chúng ta phải bảo đảm được 2 mục tiêu là bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng phải đảm bảo hoạt động hiệu quả. Nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên”- đại biểu Hạnh nhấn mạnh.
 
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu tại Quốc hội sáng 10.6. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh dẫn thêm Điều 82 theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định: Phó Chủ tịch HĐND giúp việc cho Chủ tịch HĐND trong việc điều hành phiên họp. Bà cho rằng, nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND, trường hợp bất khả kháng không thể tham gia các phiên họp thường kỳ của HĐND thì sẽ không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc khác.
Đại biểu Hạnh cũng cho rằng hiện khối lượng công việc của HĐND rất lớn, trong đó quyết định phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của tỉnh… nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thì việc trao đổi khó khăn, việc quyết định những vấn đề lớn sẽ bị ảnh hưởng và hạn chế. 
Đ.Chung-C.Nguyên.T.Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm