Kinh tế

Doanh nghiệp

Nhiều DN lớn xin hỗ trợ tài chính từ Nhà nước: Có bình đẳng và sòng phẳng giữa các DN?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Các giải pháp hỗ trợ của nhà nước cần được xem xét đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Ảnh: N.VĂN
Cùng lúc với đề xuất dùng ngân sách bổ sung thêm 3.500 tỉ đồng vốn điều lệ cho Agribank, Vietnam Airlines cho biết cũng vừa đề nghị nhà nước cho vay tối thiểu 4.000 tỉ đồng “với lãi suất ưu đãi mức thấp nhất” do hãng này sắp… hết tiền. Đặt trong bối cảnh thị trường cũng đang có hàng chục ngân hàng và nhiều hãng hàng không cùng hoạt động, việc các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục xin hỗ trợ từ nhà nước đặt ra câu hỏi về việc đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng và công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Những đề xuất hàng nghìn tỉ đồng
Giải thích về cơ sở pháp lý trong đề xuất bổ sung 3.500 tỉ đồng cho Agribank từ ngân sách nhà nước, tại buổi làm việc của Quốc hội hôm 10.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, Agribank là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này được thực hiện theo quy định của Luật 69/2014 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước cũng như các văn bản hướng dẫn luật.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 25 của Quốc hội quy định không dùng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại và đây là lý do Chính phủ phải báo cáo Quốc hội và sau khi Quốc hội xem xét có chủ trương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo NHNN và các bộ liên quan thực hiện các quy trình, trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách.
Về tính cấp thiết của yêu cầu này, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho hay, dù Chính phủ và NHNN có chỉ đạo Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng vốn, như thoái các khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả và bổ sung nguồn vốn tối đa từ phát hành trái phiếu, tuy nhiên các giải pháp này không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó giải pháp tăng vốn từ cổ phần hóa gặp vướng mắc lớn nhất là một số cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt và vì vậy NHNN chưa thể ban hành quyết định để cổ phần hóa Agribank.
Ông Lê Minh Hưng cũng cho hay, giải pháp tăng vốn bằng cách giữ lại lợi nhuận như ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội đưa ra cũng không thể thực hiện được do Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước, theo quy định phải nộp toàn bộ lợi nhuận về ngân sách sau khi trích lập các quỹ. Trong khi đó với mức vốn hiện nay, tỉ lệ an toàn vốn của Agribank vào ngày 31.3.2020 chỉ đạt 6,9%, không đảm bảo mức tối thiểu là 8% theo quy định. Hơn nữa, nếu không được tăng vốn, Agribank chỉ có thể tăng trưởng dư nợ khoảng 4,5% cho cả năm 2020, như vậy khả năng cung ứng vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng rất lớn.
Một doanh nghiệp nhà nước khác là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây cũng gây bất ngờ với thông tin đang cần nhà nước xem xét hỗ trợ 12.000 tỉ đồng do dòng tiền có thể thiếu hụt tới 15.000 tỉ đồng trong năm 2020 và nếu không được nhà nước “bơm” thêm vốn, hãng này có thể sẽ hết tiền trong tháng 8.2020.
Trong số này, ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines cho biết, hãng vừa có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của NHNN, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.
“Nhà nước “cứu” Vietnam Airlines chính là “cứu” đứa con của mình do nhà nước nắm giữ 86% vốn. Điều này cũng giống như với các hãng khác sẽ phải xin hỗ trợ từ cổ đông. Vietnam Airlines không xin bơm tiền nhà nước mà vay sẽ trả. Hãng thừa khả năng trả do cân đối tổng tài sản trên 70.000 tỉ đồng” - ông Hiền nói.
Không nên tạo ra sự ưu ái đặc biệt
Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh đề xuất của 2 doanh nghiệp nói trên, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bình luận: “Tôi nghĩ rằng cả Agribank và Vietnam Airlines đều có quyền đề nghị xin hỗ trợ, còn nhà nước giải quyết như thế nào, tôi rất mong phương án giải quyết các kiến nghị đó sẽ dựa trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng và không có bao cấp, cũng như không tạo ra sự ưu ái đặc biệt cho các doanh nghiệp nhà nước”. Riêng với Vietnam Airlines, không chỉ là một hãng hàng không, đây còn là doanh nghiệp rất quan trọng đại diện cho hình ảnh của đất nước.
“Vietnam Airlines nên có một phương án cụ thể trình ra, trong nó nêu rõ cần làm những gì, huy động các nguồn vốn khác nhau như thế nào, trong đó có phần đề nghị nhà nước giúp đỡ. Không thể nói rằng là doanh nghiệp nhà nước nên có thể có quyền đòi hỏi nhà nước phải giúp đỡ”.
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, nếu cứ như thế, sẽ không biết nhà nước còn phải giúp đỡ đến lúc nào và ra làm sao.
“Hiện nay chúng ta đều biết, ngân sách nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn nên phải hết sức thông cảm với nhà nước và ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước trong thời buổi khó khăn như hiện nay nên huy động tối đa để đóng góp cho nhà nước, cùng với nhà nước huy động vốn từ trong dân để kinh doanh” - TS Lê Đăng Doanh gợi ý. 
TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam cũng nhìn nhận, việc các doanh nghiệp nhà nước bao gồm Agribank và Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ hỗ trợ trong bối cảnh khó khăn là chuyện bình thường. Tuy nhiên xét ở mặt bình diện xã hội theo đóng góp cho GDP thì khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp gần 70-80% và họ cũng đang rất khó khăn.
“Ở đây hai doanh nghiệp này không phải thuộc diện hàng ưu tiên để hỗ trợ trong lúc này. Xét về mức độ đóng góp cho GDP thì hiện nay và lúc này các doanh nghiệp khối ngoài quốc doanh đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là những đối tượng cần được hỗ trợ trước vì họ đang thật sự khó khăn” - TS Sử Ngọc Khương phân tích. Chưa kể các doanh nghiệp khối tư nhân họ thành lập và kinh doanh bằng chính dòng tiền riêng chứ không dựa vào “bầu sữa” của tiền nhà nước nên sự khẩn thiết hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này phải được đặt lên hàng đầu.
Trong khi đó, với Vietnam Airlines và Agribank, TS Sử Ngọc Khương cho rằng, đây là các doanh nghiệp nhà nước và hoặc nhà nước chiếm phần lớn vốn sở hữu và hoạt động bằng nguồn tiền của nhà nước. Vậy nên đã đến lúc những người lãnh đạo của các doanh nghiệp của khối quốc doanh này cần phải nhìn nhận lại câu chuyện quản trị của mình chứ không thể cứ ỷ lại vào bầu sữa ngân sách, khi có khó khăn lại xin Chính phủ hỗ trợ. Các doanh nghiệp khối ngoài quốc doanh xứng đáng có được một sự đối xử bình đẳng và được nhà nước quan tâm nhiều hơn tương xứng với đóng góp của họ.
Báo cáo số 561 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4.2020 cho thấy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh thu dự kiến của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Có 7 trong 19 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu không cân đối được thu chi với tổng số lỗ khoảng 3.728 tỉ đồng. Đáng chú ý, Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế 15.000 tỉ đồng trong năm 2020 và với tình hình tài chính hiện tại, ngoài hơn 3.500 tỉ đồng vốn vay ngắn hạn, hãng này cần sự hỗ trợ từ nhà nước với tổng số tiền 12.000 tỉ đồng để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, bắt đầu giải ngân từ tháng 4.2020. Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng dự kiến tổng doanh thu năm nay sẽ giảm khoảng 23.000 tỉ đồng đến 141.000 tỉ đồng khiến số nộp ngân sách của tập đoàn giảm khoảng 5.000 tỉ đồng đến 27.100 tỉ đồng so với kế hoạch được phê duyệt.
VĂN NGUYỄN-BẢO CHƯƠNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm