(GLO)- Hiện nay, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 100 doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất với gần 3.000 lao động. Tuy số lượng doanh nghiệp và lao động không nhiều nhưng việc thực thi pháp luật về bảo hộ lao động (BHLĐ) trong khu vực này lại đang gặp không ít khó khăn.
Một số lượng lớn lao động trong các doanh nghiệp tư nhân đang làm việc ở nhiều ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ như: khai thác đá granite, xây dựng, mía đường, sản xuất đồ gỗ… Đặc thù của hầu hết các ngành này là lực lượng lao động phân tán, làm việc đơn lẻ nên công tác quản lý việc thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.
Thực hiện đầy đủ BHLĐ khi làm nhiệm vụ sẽ giúp hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra. Ảnh: Đinh Yến |
Mới đây, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiến hành kiểm tra 10 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh, qua đó đưa ra 127 kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục những sai sót khi thực hiện các quy định của Luật Lao động và công tác BHLĐ. Cũng qua thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 doanh nghiệp với tổng số tiền 63 triệu đồng vì chưa đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người lao động; thiếu chăm lo đến đời sống của công nhân-lao động (chế độ ăn ca, trang bị BHLĐ, tuyên truyền pháp luật lao động...).
Thực tế hiện nay, việc thực hiện chính sách BHLĐ tại các doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm đúng mức. Đó là điều kiện làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp còn chưa được quan tâm cải thiện, cụ thể như nơi làm việc chưa có hệ thống quạt thông gió, hút bụi; người lao động chưa được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần; chưa khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...
Bên cạnh đó, hàng năm, người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, trong khi đây là vấn đề rất thiết thân với họ. Khi không may xảy ra sự cố tai nạn lao động thì có doanh nghiệp giấu nhẹm thông tin để tránh bị liên lụy. Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp, cơ sở vật chất xuống cấp, trang-thiết bị làm việc không được kiểm định. Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hàng năm có doanh nghiệp thực hiện qua loa, thậm chí có doanh nghiệp chưa bao giờ thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Nam-Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh, để khắc phục những vấn đề nổi cộm tại các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, ngoài công tác tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp trang bị BHLĐ cho công nhân, cần nâng cao vai trò của Công đoàn cơ sở. Công đoàn phải xác định rõ chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó có công tác BHLĐ. Công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi về vật chất (tiền lương, tiền thưởng) mà còn phải bảo vệ tính mạng và sức khỏe của công nhân. Vì thế, vai trò tổ chức Công đoàn là làm cho người lao động nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác BHLĐ và an toàn vệ sinh lao động.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Dung-Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Gia Lai-chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ phát huy vai trò Công đoàn trong doanh nghiệp, đơn vị chưa để xảy ra tai nạn lao động; các chế độ, quyền lợi lương, thưởng của công nhân được thực hiện đầy đủ. Có được kết quả như vậy, ngoài sự quan tâm của Ban Giám đốc, Công đoàn còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động thông qua trực tiếp chấm điểm thi đua hàng tháng, xếp loại để cuối năm thưởng cho lao động chấp hành tốt công tác BHLĐ”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Các doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và BHLĐ cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp cần bố trí lực lượng an toàn vệ sinh viên, hàng năm, cử lực lượng này tham gia các khóa đào tạo liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy, sơ-cấp cứu để hướng dẫn, huấn luyện lại cho tất cả lao động tại đơn vị. Bố trí thời gian khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân để phân công công việc phù hợp với sức khỏe, đảm bảo hoàn thành tốt nhất công việc và hạn chế thấp nhất xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Đinh Yến